Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nụ đào Thất thốn trong vườn đào của anh Lê Hàm. Ảnh: Chinhphu.vn |
Bí ẩn đào Thất thốn
Ai đã say đào Thất thốn đều có chung một nhận xét: Hình như mọi cái đẹp nhất, cái tinh tuý nhất của hoa đào đều biểu hiện trên cây đào Thất thốn.
Người già nhất ở làng Nhật Tân cũng không biết nguồn gốc của đào Thất thốn. Không biết nó có mặt ở đây từ năm nào và ai là người mang nó về nhân giống ở làng. Chỉ biết là nó đẹp, nó chinh phục được cả những người khó tính nhất ở cái làng đào này.
Ngay cái tên “Thất thốn” cũng mối người giảng giải một cách. Có người bảo vì mỗi thốn dài chỉ bằng đốt ngón tay mà có thể trổ tới 7 bông hoa nên gọi là Thất thốn. Có người lại bảo vì cái lá của nó dài đến bảy thốn. Cũng có cách giải thích khác cho rằng, “thất” là mất, “thốn” là thiếu thốn, nên “thất thốn” là mất đi thiếu thốn để có no đủ… Nhưng cho đến bây giờ thì vẫn chưa có cách giải thích nào thuyết phục trọn vẹn cả.
Cứ vào khoảng 20 Tết, khi bích đào Nhật Tân đã bắt đầu khoe những nụ hồng chúm chím thì đào Thất thốn vẫn lặng lẽ như những cây củi khô. Khác với những giống đào bích, đào phai, Thất thốn thường nở hoa muộn, khoảng sau rằm tháng Giêng, khi xuân đã cạn ngày. Vì thế chuyện Thất thốn nở hoa đúng Tết Nguyên đán là điều xưa nay hiếm, dẫu chỉ là một vài bông điểm xuyết.
Cây đào thường ra hoa khó một thì Thất Thốn khó hơn đến vài chục lần. Vậy nên người ta bảo, nếu có cây đào Thất thốn nào trúng dịp trước Tết thì giá của mỗi bông hoa của nó cũng có thể được tính bằng tiền triệu.
Thất thốn không sai hoa, sai lộc như bích đào hay đào phai. Đậu lắm, cũng chỉ chừng hai chục bông. Có khi, cả cây chỉ có dăm bảy bông. Gốc cây đào Thất thốn cổ quái, xù xì, thân tựa như đốt trúc thế mà những nụ hồng, những bông hoa đỏ như tiết dê, màu đỏ tượng trưng cho khí ấm của mùa xuân, đẹp đến nao lòng lại có thể bật ra từ thân, từ gốc, từ những chỗ không tưởng ấy.
Đất càng cằn cỗi hoa đào Thất thốn càng quyến rũ. Thất thốn thường nở sáng một bông, trưa một bông. Cây nhiều bông thì chóng tàn, nhưng cây ít bông thì bền hơn tất cả các giống đào khác. Ngắm hoa người ta thấy sự viên mãn, đủ đầy. Điều này có lẽ chỉ ở giống đào quý này mà thôi…Vậy nên Thất Thốn chỉ dành cho người am tường cây thế, cây cổ. Với họ, càng tìm hiểu, càng say thì càng thấy giống đào này càng nhiều điều thú vị.
Lên đến làng đào Nhật Tân (Tây Hồ - Hà Nội) mà hỏi đào Thất Thốn, không phải ai cũng biết. Lạ một điều, những lớp nghệ nhân trồng đào khi nhắc đến Thất Thốn họ đều nén tiếng thở dài tiếc nuối. Cụ Nguyễn Phúc Sơn (88 tuổi) người làng Nhật Tân kể: “Thất Thốn là một giống đào cổ. Khác với bích đào hay đào phai, giống này thường nở hoa muộn, cữ sau rằm tháng Giêng. Khi ra hoa, bông to như mặt cái đồng hồ đeo tay, đỏ đậm màu tiết dê - hoa càng đỏ, càng quý. Để đào ra hoa rộ đúng Tết Nguyên đán thì hiếm lắm. Trước đây, gần như nhà nào ở Nhật Tân cũng có đào Thất thốn. Cũng bởi vì quá say Thất thốn, bao nghệ nhân làng đào đã tìm mọi cách để chinh phục, nhưng thành công tuyệt đối thì chưa có được mấy người. Thậm chí, có người mê Thất thốn đến quên ăn, quên ngủ. Tiền kiếm được chỉ dồn vào để chinh phục thứ đào quý này. Công sức, tiền bạc và thời gian tốn không kể xiết để Thất thốn ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán, nhưng kết quả, mùng 1 Tết, Thất Thốn vẫn chỉ là cái cây khô sai nụ. Có người theo đến gần 20 năm không thành công nên đành phải bỏ dở. Bởi thế, đào Thất thốn cứ mai một dần theo thời gian”.
"Nghệ nhân: Lê Hàm chăm sóc vườn đào quý. Ảnh: Chinhphu.vn |
Thế rồi, có một người tuổi còn trẻ, một người không cam tâm đứng nhìn thứ đào quý của Nhật Tân chìm trong ký ức của những người già, anh đã bỏ ra cả mười mấy năm “trồng mà không thu hoạch”, bỏ vốn mà không thu lời, quyết tâm chinh phục, khám phá sự bí ẩn của Thất thốn...
Hồi sinh cho đào cổ
Vào thăm vườn đào của Lê Hàm, một người nặng duyên với đào thất Thốn thì có thể nói không ngoa rằng nhắc đến đào Thất thốn là người ta nhắc đến anh, Lê Hàm.
Lớn lên, đến cái tuổi hiểu và nắm được hết những tính nết của đào, điều chỉnh được cả ngày nở hoa đúng Tết thì cũng là lúc Lê Hàm “bập” vào đào Thất thốn. Cái thứ đào mà đến cả người già nhất trong làng cũng không biết rõ lai lịch, chỉ biết rằng, về đến Nhật Tân - đất đào, loài hoa vương giả nay đã “bén rễ, bắt sắc”. Hợp đất, hợp người, nhưng Thất thốn lại không phục tùng theo sự điều chỉnh của người làng đào, cứ chai lỳ như thách đố.
Người nhà thấy Lê Hàm sọm người vì đào Thất thốn, sớm tinh mơ đã ra vườn, tối nhọ mặt người mới rời khỏi vườn, đã không ngừng can ngăn. Nhưng càng can thì Lê Hàm càng say. Trong làng, nhà nào trồng đào Thất thốn là anh lại tìm đến để mua gốc, hỏi kinh nghiệm rồi cứ vừa thử nghiệm vừa đi tìm lời giải cho sự thất bại. Có cây gốc đào Thất thốn lâu năm, Lê Hàm đã phải mua với giá cả chục triệu đồng.
Và mỗi năm, cứ một cái nụ, một bông hoa hiếm hoi nở cận ngày Tết là lại tiếp thêm cho Lê Hàm nghị lực và niềm tin. Trong vườn nhà, với hàng trăm cây bích đào nhưng hỏi Thất thốn nằm ở vị trí nào, ngày nào ra nụ, ngày nào nở hoa Lê Hàm nhớ rõ đến từng chi tiết.
Mỗi cây đào Thất thốn, nếu từ bé, cũng phải mất gần chục năm mới có được một gốc đào ưng ý và “đủ tuổi” để chơi. Sau mười mấy năm thức ngủ cùng Thất thốn, canh từng bước trưởng thành, khi trổ nụ, ra hoa, năm 2009, niềm vui của người đàn ông tuổi 40 nhưng có gần 20 năm gắn bó cùng giống đào quý này mới thực sự vỡ òa khi lần đầu tiên và cũng là người đầu tiên của làng Nhật Tân anh có đào Thất thốn trúng Tết.
Khoảng 30 cây Thất thốn của Lê Hàm đã trổ nụ, bung hoa từ ngày Tết ông Công ông Táo. Sắc tiết dê đỏ thẫm như sưởi ấm cả không gian giá rét. Khi ấy, nhà văn Băng Sơn – một người rất mộ đào Thất thốn, nghe tin Nhật Tân đã có người chinh phục thành công thứ đào quý, đã một mình lóc cóc đạp xe lên tận nơi để “thực mục sở thị”.
Vào năm 2010, Lê Hàm trúng gần như cả vườn Thất thốn. Thất thốn nở chưa từng thấy trong gần 20 năm anh tận tụy với đào. Mỗi cây có giá trung bình từ 5-15 triệu đồng. Nhưng Lê Hàm bảo, với Thất thốn, không phải bán được cho người mua giá cao nhất là sướng mà sướng nhất là bán được cho người biết và am tường về đào Thất thốn.
Xuân Nhâm Thìn này, vườn đào Thất thốn của Lê Hàm có khả năng trúng Tết rất cao khi những cái nụ đầu tiên đã bắt đầu bung sắc từ ngày 10 tháng Chạp. Hiện trong vườn nhà anh có cả thảy 4 loại đào Thất thốn: Thân đỏ hoa đỏ, thân trắng hoa nhạt hơn một chút, thân trắng hoa 5 cánh đơn, thân trắng hoa 5 cánh kép.
Thêm một gốc đào Thất thốn nở hoa. Ảnh: Chinhphu.vn |
Những nghệ nhân làng đào hay cả những người khách chuộng Thất thốn khi nói về thứ đào quý này đều coi Lê Hàm là tri kỷ. Chẳng thế mà nghe anh kể, tối 30 Tết năm ngoái, khi anh còn đang bận rộn sửa soạn lễ cúng gia tiên thì nhận được một cú điện thoại dài chừng 30 phút của một người khách chỉ để tả lại cái cảm giác hạnh phúc, vui sướng tới tột độ khi Thất thốn bung sắc trước thời khắc đón Giao thừa.
Dẫn tôi vào thăm vườn, chỉ một nụ đào Thất thốn vừa bật lên từ lớp vỏ thân cây xù xì, già cỗi, Lê Hàm như muốn chia sẻ hạnh phúc của anh, niềm hạnh phúc có được sau những năm tháng nếm trải vô vàn khó khăn, mất nhiều công sức tìm tòi, chờ đợi để rồi hy vọng hồi sinh thành công một giống đào quý của Hà Nội.
Từ Lương