• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Đất nước phát triển bền vững khi con người phát triển toàn diện

(Chinhphu.vn) - Nói đến văn hóa là nói đến những giá trị tinh thần, khi những giá trị tinh thần trong xã hội xuống cấp thì mọi thứ sẽ bị kéo theo, kể cả kinh tế. Đúng ra kinh tế đất nước còn có thể phát triển hơn nữa nhưng do những hạn chế về văn hóa, con người nên thành tựu về kinh tế cũng bị hạn chế rất nhiều.

31/01/2015 10:59
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm
Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam những năm sau đổi mới tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng để văn hóa thực sự là động lực thúc đẩy xã hội phát triển thì chưa được như kỳ vọng.

Vậy đâu là nguyên nhân và làm thế nào để xây dựng được nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn... Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên Nga, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng Trường Đại học KHXH&NV (ĐHQG TPHCM) về những vấn đề này.

Xin Giáo sư cho biết cảm nhận về Nghị quyết 33-NQ/TW nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết này?

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Trước tiên phải nói đến lý do ra đời Nghị quyết 33/NQ-TW và Chương trình hành động của Chính phủ.

Chúng ta đều thấy, từ sau đổi mới (1986) đến nay, kinh tế đất nước đã có những bước phát triển nhanh chóng, đời sống vật chất của nhân dân được nâng lên. Tuy nhiên, trong lĩnh vực văn hóa, mặc dù đã có 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), nhưng thành tựu đạt được về mặt này lại chưa tương xứng, có mặt phát triển nhưng đồng thời có mặt lại thụt lùi. Đáng chú ý là những thành tựu về văn hóa lại không phải là ở mặt quan trọng, mà chỉ là những thứ bề nổi, không thiết yếu, trong khi đó mặt thụt lùi lại là mặt quan trọng, là những vấn đề liên quan đến con người, như phẩm chất đạo đức, lối sống... Nói đến văn hóa là nói đến những giá trị tinh thần, khi những giá trị tinh thần trong xã hội xuống cấp thì mọi thứ sẽ bị kéo theo, kể cả kinh tế. Đúng ra kinh tế đất nước còn có thể phát triển hơn nữa nhưng do những hạn chế về văn hóa, con người nên thành tựu về kinh tế cũng bị hạn chế rất nhiều.

Nghị quyết Trung ương 5 nêu ra đường lối phát triển văn hóa là rất đúng, rất cần thiết, nhưng khi đi vào triển khai cụ thể thì chưa tốt, chưa hiệu quả. Trong khi Nghị quyết coi con người là trung tâm, là tất cả, nhưng trong giai đoạn vừa qua, con người mà cụ thể là đạo đức, lối sống... đã không được quan tâm đúng mức. Theo thống kê của chúng tôi, trong số 23 văn kiện cơ bản của Đảng, tính từ Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 1991 đến năm 2013 thì từ “văn hóa” được sử dụng 463 lượt, chiếm 28%, trong khi đó từ “kinh tế” được sử dụng tới 1.171 lượt, chiếm 72%, nhiều hơn văn hóa gấp 2,5 lần.

Điều đó nói lên rằng, về lí thuyết chúng ta nói văn hóa đi đôi với kinh tế, thậm chí văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, tất cả những từ ngữ gì đẹp đẽ nhất ta dành cho văn hóa nhưng thực tế thì không được như thế. Do kinh tế rất sát sườn, cơm ăn áo mặc là thứ rất cụ thể nên trong chỉ đạo, điều hành vẫn thiên về kinh tế, còn văn hóa thì gần như đẩy hết cho Bộ VHTT&DL, mà một mình Bộ này thì không thể nào làm được. Đây chính là lý do quan trọng giải thích vì sao đạo đức, lối sống hiện đang bị xuống cấp, suy đồi và có chiều hướng gia tăng.

Tóm lại, nếu bây giờ không giải quyết vấn đề văn hóa một cách quyết liệt, một cách rốt ráo thì sẽ là nguy cơ lớn cho sự phát triển lâu dài của đất nước. Đó là lý do tại sao Trung ương phải ra Nghị quyết 33 và tiếp đó là Chính phủ ban hành Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết này.

Để giải quyết những vấn đề tồn tại, bất cập trong lĩnh vực văn hóa hiện nay, Chương trình hành động của Chính phủ đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp. Theo Giáo sư đâu là giải pháp quan trọng nhất, cần được tập trung để triển khai?

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Trong 6 nhiệm vụ, giải pháp (tập trung xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa; tăng cường xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế; nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động văn hóa; huy động các nguồn lực phát triển văn hóa, con người Việt Nam), tôi cho rằng nhiệm vụ tập trung xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện là quan trọng nhất.

Như chúng ta vừa phân tích, vấn đề yếu kém nhất trong văn hóa giai đoạn vừa qua chính là vấn đề con người, nên yêu cầu đặt ra cho giai đoạn hiện nay là phải xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện với những phẩm chất tốt đẹp là vô cùng quan trọng. Nếu chúng ta làm thành công vấn đề về này thì tất cả những việc khác tự khắc sẽ tốt theo.

Điều này dễ hiểu bởi khi có con người tốt thì ý thức khi tham gia vào mọi việc sẽ tốt. Con người nói đến ở đây không chỉ là người dân mà còn bao gồm cả quan chức, quan chức tốt thì quản lý xã hội sẽ tốt; quan chức tốt sẽ không có tham nhũng, quản lý sẽ nề nếp hơn, bài bản hơn. Do vậy, chỉ cần một chìa khóa thôi, đó là xây dựng con người phát triển toàn diện.

Mục tiêu của Chương trình hành động có nói đến việc xây dựng và đưa vào thực tiễn hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam. Theo Giáo sư, có cần thiết phải có các chuẩn mực giá trị văn hóa?

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Khi ta xác định con người là quan trọng nhất và tập trung để xây dựng con người phát triển toàn diện thì đương nhiên ta phải có những chuẩn về giá trị để định hướng, vì vậy nhất thiết phải có hệ giá trị chuẩn. Hệ giá trị là cái luôn luôn có trong mỗi xã hội, thời đại nào cũng có, chỉ có điều mình có ý thức được nó hay không và có tác động vào nó một cách hữu thức hay không.

Mỗi người chúng ta, ai cũng có một hệ giá trị để theo đuổi, hướng tới. Hệ giá trị của một xã hội chính là hệ thống của những giá trị được số đông người đi theo. Ví dụ, nếu số đông quan niệm tiền là quan trọng nhất, chỉ quan tâm làm sao kiếm được nhiều tiền thì đó là xã hội thực dụng, con người trong xã hội đó sẽ có xu hướng chạy theo đồng tiền. Tuy nhiên, nếu số đông trong xã hội lại cho rằng hạnh phúc mới là quan trọng nhất, luôn đề cao những giá trị tinh thần tốt đẹp thì xã hội đó sẽ rất nhân văn.

Không phải ngẫu nhiên, trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 33 của Trung ương, phần đầu tiên lại đề cập đến việc xây dựng hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mĩ theo các giá trị chuẩn mực, trong đó trọng tâm là nhân cách, đạo đức, lối sống, ý thức tôn trọng pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Qua kết quả điều tra gần 6.000 người thuộc nhiều tầng lớp trong xã hội và ở cả ba vùng miền, tôi nhận thấy số đông người Việt Nam vẫn còn đang đề cao và hướng đến những giá trị tinh thần truyền thống tốt đẹp, mặc dù lâu nay, dường như báo chí đã dựng lên một hình ảnh xã hội Việt Nam quá thực dụng, nhiều người có lối sống chạy theo đồng tiền.

Nhất thiết phải có một hệ giá trị chuẩn mực để định hướng, để xây dựng con người Việt Nam toàn diện. Vậy cách thức chúng ta đưa những giá trị đó vào thực tiễn như thế nào, thưa Giáo sư?

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Vì mỗi xã hội luôn chứa đựng một hệ giá trị, nên nếu ta không chủ động xây dựng một hệ giá trị chuẩn để định hướng thì nó phát triển tự phát, số đông trong xã hội đi theo hướng nào thì hệ giá trị có xu hướng đó, bản thân nó cũng sẽ tự “lèo lái” dẫn đường cho phát triển. Tuy nhiên, nếu muốn đất nước phát triển nhanh hơn, theo hướng đã chọn thì phải tác động vào. Cụ thể, chúng ta phải xác định được hệ giá trị của số đông đang muốn tiến tới hiện nay là gì. Muốn phát triển theo hướng mà chúng ta vạch ra thì cần thêm những gì, phải bổ sung, uốn nắn như thế nào. Chúng ta chỉ có thể tác động để xu hướng của số đông đi đúng hơn, nhanh hơn thôi, chứ không thể đi ngược lại ý nguyện của số đông được.

Ví dụ như hiện nay có một phản giá trị rất lớn là tính gian dối. Điều này có một phần nguyên nhân là do những bất cập của cơ chế, của cách vận hành xã hội hiện nay dẫn đến chỗ buộc người ta phải gian dối, buộc người ta phải tham nhũng và hối lộ... Đây là phản giá trị mà nếu để lâu thì sẽ là nguy cơ cho phát triển con người, phát triển của đất nước. Bởi vậy, vấn đề cấp bách là phải bổ sung thêm những giá trị mới, giáo dục con người hướng đến lòng trung thực, trong quản lý xã hội phải khoa học, có tầm nhìn dài hạn. Bên cạnh đó, những yếu tố, những phẩm chất của nền văn hóa công nghiệp và văn hóa đô thị cũng phải bổ sung vào, phải tác động một cách chủ động thì hệ giá trị mới nhanh chóng thay đổi, xã hội mới đi đúng hướng được.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Mạnh Hùng (thực hiện)