Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đông đảo đạo diễn, nghệ sĩ Việt Nam tham dự hội thảo - Ảnh: VGP/Lưu Hương
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận chuyên sâu như: Giá trị thực sự của một bộ phim chiến tranh; vai trò của người phụ nữ trong chiến tranh; hành trình vượt qua thử thách của những người lính và người dân bình thường; những đối thoại mới với quá khứ qua dòng phim chiến tranh cách mạng sau 1975; đề tài chiến tranh qua góc nhìn của các nhà làm phim tư nhân qua các bộ phim Dòng máu anh hùng, Áo lụa Hà Đông và Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối; khi đạo diễn trẻ làm phim đề tài chiến tranh cách mạng…
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng chia sẻ, chiến tranh với tất cả những mất mát, hy sinh và khát vọng hòa bình, luôn là một đề tài lớn của nghệ thuật, đặc biệt là điện ảnh. Từ sau ngày thống nhất, các nhà làm phim Việt Nam không ngừng đổi mới cách thể hiện, không chỉ khắc họa chiến tranh như một bản anh hùng ca, mà còn như một hành trình nhân văn, sâu sắc về con người, ký ức và sự hòa giải.
Những tác phẩm như Cánh đồng hoang, Ngã ba Đồng Lộc hay Truyền thuyết về Quán Tiên không chỉ ghi dấu ấn nghệ thuật mà còn tái hiện chân thực lịch sử, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng nhân ái và khát vọng sống trong mỗi thế hệ.
"Đây là dịp để nhìn lại chặng đường 50 năm của dòng phim chiến tranh Việt Nam, đánh giá vai trò, định hướng phát triển trong bối cảnh điện ảnh không chỉ là nghệ thuật mà còn là một ngành công nghiệp văn hóa quan trọng. Phim chiến tranh sau ngày thống nhất không chỉ là tư liệu lịch sử, mà còn là công cụ giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước và giá trị của hòa bình", Phó Chủ tịch TP. Đà Nẵng đánh giá.
Quang cảnh hội thảo - Ảnh: VGP/Lưu Hương
Tại hội thảo, Đạo diễn, NSƯT Bùi Tuấn Dũng chia sẻ, bộ phim chiến tranh tốt cần tái hiện trung thực bối cảnh, sự kiện và nhân vật. Phản ánh sự thật lịch sử, không bóp méo hay tô hồng quá mức. Phim chiến tranh càng có chiều sâu khi đi vào tâm lý, bi kịch và cảm xúc của từng con người, trong đó người lính không chỉ là chiến đấu mà còn là người cha, người anh, người con, người của tình yêu thương gia đình mà họ thuộc về… Và câu chuyện của họ là câu chuyện về ý nghĩa của sự sống, của tình yêu gia đình, tình đồng đội, tình yêu tổ quốc và cả tình người.
"Giá trị lớn nhất về cảm xúc, của thông điệp một bộ phim chiến tranh là nhắc nhớ rằng hòa bình là điều thiêng liêng, là ước mơ ngàn đời của tất cả các dân tộc. Một bộ phim chiến tranh thực sự tốt luôn mang thông điệp về sự thứ tha, đoàn kết, tình yêu tổ quốc, lòng nhân ái. Một bộ phim chiến tranh hay không định hướng suy nghĩ, mà gợi mở để người xem tự tư duy về lịch sử, về nhân loại, về dân tộc và tự đặt câu hỏi với chính bản thân mình bằng những triết lý nhân sinh", Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nói.
Các bộ phim nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ công chúng, nhất là giới trẻ - Ảnh: VGP/Lưu Hương
Theo Viện trưởng Viện Phim Việt Nam Lê Thị Hà, phim đề tài chiến tranh là một phần rất quan trọng trong di sản điện ảnh cách mạng Việt Nam, đã chứng minh được giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, tăng cường hiểu biết và hợp tác giữa hai bên chiến tuyến.
Các nhà làm phim Việt Nam, từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến đã lăn lộn trong mưa bom bão đạn, sáng tác nhiều tác phẩm nhằm cổ vũ tinh thần chiến đấu, khắc họa sự hy sinh oanh liệt của các nhân vật và sự kiện anh hùng. Trong chiến tranh, đội ngũ những nhà làm phim đã trưởng thành đi qua thực tế cuộc chiến đấu của dân tộc, đề tài chiến tranh được thể hiện xuất sắc, chân thực qua từng tác phẩm và được các nghệ sĩ điện ảnh coi như một sự báo đáp tinh thần, lòng tri ân đối với đất nước, những người đã ngã xuống hi sinh vì sự độc lập, tự do của Tổ quốc.
Viện Phim Việt Nam hiện đang bảo quản một khối lượng lớn phim chiến tranh sản xuất trước và sau năm 1975. Viện đã và đang thực hiện nhiều hoạt động giới thiệu, phổ biến những tác phẩm điện ảnh cách mạng này đến hàng triệu lượt khán giả trong nước và quốc tế. Đặc biệt, các phim chiến tranh sản xuất sau ngày thống nhất – cả phim truyện lẫn tài liệu, vẫn nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ công chúng, nhất là giới trẻ. Những tác phẩm này không chỉ mang tính giải trí mà còn góp phần lan tỏa lòng yêu nước, ý chí bất khuất và khát vọng xây dựng đất nước.
"Đồng hành cùng chương trình "Nửa thế kỷ phim chiến tranh Việt Nam" tại DANAFF III, 18/22 bộ phim truyện chiến tranh đặc sắc, sản xuất từ năm 1977 đến nay và lưu trữ tại Viện phim Việt Nam, đã được lựa chọn trình chiếu tại nhiều rạp trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Những câu chuyện, bối cảnh trước, trong, sau chiến tranh được thể hiện đa diện, thấm đẫm cảm xúc qua góc nhìn nghệ thuật, giàu cảm xúc nhân văn của nhiều thế hệ đạo diễn Việt Nam đã nhận được sự đồng cảm sâu sắc với khán giả, nhất là giới trẻ, cho thấy sức sống bền bỉ của dòng phim chiến tranh trong lòng công chúng trong những ngày vừa qua", bà Lê Thị Hà thông tin thêm.
Lưu Hương