Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Do cả chủ quan và khách quan
Có thể khái quát các nguyên nhân cả khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng này như sau:
Thứ nhất, nguồn thông tin còn nhiều bất cập. Do nền kinh tế nước ta trong những năm qua phát triển nhanh với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực. Nhiều doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại một địa phương nhưng lại hoạt động trải rộng ở nhiều địa phương khác nhau. Bên cạnh đó còn có những lĩnh vực hạch toán toàn ngành như: Điện, hàng không, đường sắt, ngân hàng, bưu chính-viễn thông, bảo hiểm...
Việc bóc tách riêng biệt cho từng địa phương đối với một số lĩnh vực kinh doanh trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố hoặc xác định kết quả sản xuất của những lĩnh vực hạch toán toàn ngành cho từng địa phương là rất phức tạp, dẫn đến tình trạng tính trùng, bỏ sót giữa các địa phương, cũng như giữa địa phương và Trung ương.
Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy hầu hết các nước tổ chức tính tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đều xảy ra tình trạng chênh lệch số liệu ở cấp quốc gia và cấp tỉnh. Mặt khác, sự hợp tác trong cung cấp thông tin của doanh nghiệp cho ngành Thống kê còn bất cập, nhất là các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh ở nhiều địa bàn, với nhiều lĩnh vực nhưng không bóc tách thông tin để cung cấp theo yêu cầu phiếu điều tra thống kê;
Thứ hai, Tổng cục Thống kê tính toán các chỉ tiêu thống kê trên cơ sở áp dụng theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, một số bộ, ngành chưa sử dụng đồng nhất với Tổng cục Thống kê về khái niệm, phạm vi hoặc phương pháp thu thập thông tin đối với một số chỉ tiêu do bộ, ngành tính toán như: Tỷ lệ nghèo, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, số lượng doanh nghiệp…;
Thứ ba, việc chấp hành chưa nghiêm Luật Thống kê của một bộ phận doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể nên cung cấp số liệu ban đầu thiếu chính xác và không kịp thời.
Thứ tư, việc xác định chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của một số địa phương hằng năm còn do áp lực phải phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội mà Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh và Nghị quyết Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp đã đề ra. Hầu hết Nghị quyết Đảng bộ cấp tỉnh đều đặt chỉ tiêu tăng tổng sản phẩm trên địa bàn - GRDP (tức là “GDP tỉnh”) khá cao so với thực tế và cao hơn nhiều so với mục tiêu tăng GDP của toàn quốc.
Trên thực tế, mục tiêu tăng trưởng của nhiều địa phương đặt ra vượt quá năng lực và khả năng sản xuất của địa phương và đôi khi có yếu tố cảm tính. Ví dụ, bình quân giản đơn số kế hoạch tốc độ tăng GRDP hằng năm thời kỳ 2011-2015 của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là gần 13,4%, trong khi Nghị quyết đặt ra cho cả nước chỉ là 7-7,5%. Từ đây cộng thêm với "bệnh thành tích" của một số địa phương dẫn đến có sự chênh lệch như chúng ta đã biết.
Thứ năm, vẫn còn trình trạng chấp hành chưa nghiêm về quy trình sản xuất số liệu thống kê ở một số ít Cục Thống kê; trình độ cán bộ thống kê còn nhiều bất cập.
Cũng cần phải đánh giá một cách khách quan là mức độ chênh lệch của một số chỉ tiêu không đến mức bi quan "một trời, một vực" như một số phát biểu gần đây. Thực tế trong 2 năm qua, Tổng cục Thống kê đã đẩy mạnh thực hiện Đề án khắc phục chênh lệch số liệu GDP giữa Trung ương và địa phương và đã có những kết quả cụ thể.
Trong 2 năm 2010-2011, tốc độ tăng GRDP của 63 tỉnh thành đều trên 2 con số trong khi của cả nước lần lượt là 6,42% và 6,24%. Đến năm 2012 đã có nhiều địa phương ở mức một con số và nhất là trong 6 tháng đầu năm 2013, một số địa phương đã tính toán tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP sát hơn với thực tế, gần hoặc thấp hơn mức tăng trưởng của toàn quốc (ví dụ Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bình Thuận…).
Không phải một mình một kiểu
Nhìn chung phương pháp thống kê của hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia trong thời gian qua đã được hoàn chỉnh một bước khá đồng bộ và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đó là vì khi xây dựng, Tổng cục Thống kê đã tham khảo tài liệu, hướng dẫn, khuyến nghị của quốc tế, đồng thời xin ý kiến của các bộ, ngành. Do đó, có thể nói lần đầu tiên hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia với 350 chỉ tiêu thống kê đã có được khái niệm, nội dung, phương pháp tính, nguồn số liệu đi kèm để áp dụng thống nhất trong cả nước.
Chỉ tiêu tỷ lệ thất nghiệp là một ví dụ. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) quy định, trong điều kiện hoạt động kinh tế hiện tại, thời gian tối thiểu để một người có thể được xem xét có việc làm (làm việc) là trong 07 ngày có ít nhất 01 giờ làm việc để tạo thu nhập chính đáng. Khái niệm này được hầu hết các nước đang phát triển trên thế giới áp dụng và cũng được áp dụng đối với Việt Nam. Như vậy đối với một người có thể vừa bị mất việc ở doanh nghiệp và chuyển sang làm việc ở một khu vực khác cho dù tạm thời nhưng có làm việc 1 giờ trong khoảng thời gian tham chiếu 1 tuần và có tạo ra thu nhập thì vẫn được coi là có việc làm.
Ở Việt Nam và hầu hết các nước đang phát triển, đa số người dân dựa vào sức lao động để tồn tại và đáp ứng những nhu cầu cơ bản như ăn, ở, mặc... Việc tham gia vào thị trường lao động là tất yếu và đôi khi là bắt buộc đối với mỗi người lao động. Như vậy, để có một bức tranh đầy đủ về biến động của thị trường lao động ở nước ta cần nghiên cứu sâu hơn về biến động trong cơ cấu lao động theo các tiêu chí khác nhau (khu vực chính thức chuyển dịch sang khu vực phi chính thức; từ các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp-xây dựng sang lĩnh vực dịch vụ; giữa các nhóm tuổi...), và việc nghiên cứu này cần đi kèm với phân tích, đánh giá chỉ tiêu tỷ lệ thiếu việc làm.
Trong quá trình thu thập, tổng hợp, biên soạn số liệu của một số chỉ tiêu, còn có sự chưa thống nhất về khái niệm, phạm vi và phương pháp thu thập thông tin dẫn đến có chênh lệch số liệu giữa Tổng cục Thống kê với bộ, ngành như: Tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ lao động qua đào tạo… Sắp tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ làm việc với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để bàn về phối hợp trong công tác thống kê giữa 2 Bộ, trong đó có nội dung thống nhất về thống kê tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo giữa 2 cơ quan.
Một số giải pháp khắc phục bất cập
Trước thực trạng chất lượng thông tin thống kê như vậy và trước đòi hỏi, yêu cầu của người sử dụng, trong thời gian gần đây, Tổng cục Thống kê đã có nhiều cố gắng trong việc giảm thiểu tình trạng chênh lệch số liệu.
Thứ nhất, đẩy nhanh việc thực hiện Đề án khắc phục chênh lệch số liệu GDP. Vừa qua, Tổng cục Thống kê đã cử 5 đoàn công tác đến Hà Nội, Hải Dương, Khánh Hòa, Đồng Nai và Lâm Đồng để cùng với Cục Thống kê rà soát, kiểm tra, tính toán lại số liệu GRDP năm 2011 của các địa phương này. Kết quả là GRDP của 5 địa phương này sau khi được tính lại đều thấp hơn từ 2-5,5% so với số liệu đã báo cáo.
Kinh nghiệm của việc rà soát này được nhân rộng, làm cơ sở để rà soát, tính toán lại GRDP năm 2011 cũng như giai đoạn 2006-2010 của các địa phương trên cả nước. Sau khi có đủ thông tin, Tổng cục Thống kê sẽ báo cáo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để công bố số liệu GRDP năm 2011 và giai đoạn 2006-2010 của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Việc rà soát được thực hiện cho các năm tiếp theo với mục tiêu đến năm 2015 sẽ giảm thiểu được tình trạng chênh lệch số liệu giữa trung ương và địa phương, làm căn cứ quan trọng trong quá trình xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội nhiệm kỳ 2016-2020 trên phạm vi toàn quốc cũng như tại các địa phương.
Từ năm 2016, số liệu GDP của cả nước và GRDP của các địa phương sẽ do Tổng cục Thống kê tính toán và công bố.
Thứ hai, chỉ đạo các đơn vị trong ngành Thống kê tăng cường chất lượng thông tin thống kê đầu vào và kỷ luật trong thu thập, tổng hợp, biên soạn và công bố số liệu thống kê. Tổng cục Thống kê đang bắt đầu triển khai thí điểm quy trình sản xuất số liệu thống kê 7 bước được hỗ trợ tối đa bằng CNTT-TT để thực hiện mô hình “dữ liệu tập trung, sử dụng phân tán”, đồng thời giảm thiểu sự can thiệp bằng ý chí chủ quan của con người.
Thứ ba, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện các chỉ tiêu thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, hệ thống chỉ tiêu thống kê tỉnh, huyện, xã và hệ thống chỉ tiêu bộ, ngành để vừa phù hợp với thông lệ và tiêu chuẩn của thống kê thế giới, bảo đảm tính so sánh quốc tế, song phải phù hợp với thực tiễn của nước ta để đáp ứng nhu cầu chỉ đạo, điều hành, lập chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của cả nước và các bộ, ngành, địa phương.
Thứ tư, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và thực hiện nghiêm túc các văn bản pháp lý quan trọng về thống kê được ban hành trong thời gian gần đây, đặc biệt Nghị định số 79/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định xử phạm vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê và Quyết định số 34/2013/QĐ-TTg ngày 04/06/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chính sách phổ biến thông tin thống kê Nhà nước.
Hiện tại, Tổng cục Thống kê đang triển khai kế hoạch thực hiện Nghị định số 79/2013/NĐ-CP nhằm nâng cao nhận thức của các đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật Thống kê trong việc chấp hành Luật. Lần này, Tổng cục Thống kê tập trung không chỉ vào nhóm đối tượng cung cấp thông tin và người sản xuất thông tin thống kê mà còn cả vào người sử dụng thông tin thống kê. Đối với Chính sách phổ biến thông tin thống kê Nhà nước thì cần tập trung làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, ngành, địa phương trong thu thập, tổng hợp và công bố các chỉ tiêu thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia được phân công thực hiện.
Thứ năm, tăng cường vai trò điều phối và quản lý Nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà trực tiếp là Tổng cục Thống kê trong hoạt động thống kê, đặc biệt là sự hợp tác với thống kê bộ, ngành trong lĩnh vực này. Trong thời gian qua, Tổng cục Thống kê đã phối hợp tốt với các bộ, ngành trong công tác, phương pháp, chế độ... như tư vấn, thẩm định hệ thống chỉ tiêu, chế độ báo cáo, chương trình điều tra, phương án điều tra thống kê hoặc mở các hội nghị tập huấn nghiệp vụ thống kê của nhiều bộ như: Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… Hiện nay, Tổng cục Thống kê đang cùng các bộ, ngành hữu quan hoàn chỉnh Chế độ Báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng cho các bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành để áp dụng thống nhất.
Thứ sáu, về lâu dài cần phải nghiên cứu hoàn thiện môi trường pháp lý của hoạt động thống kê ở nước ta. Trong chương trình xây dựng Đề án Luật Thống kê sửa đổi, vấn đề hệ thống tổ chức thống kê tập trung cũng như thống kê các bộ, ngành cần được nghiên cứu thấu đáo để nâng cao tính độc lập, khách quan trong hoạt động của hệ thống thống kê Nhà nước.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê cũng đang nghiên cứu mô hình Hội đồng Thống kê Quốc gia để làm vai trò điều phối hoạt động thống kê cả nước nhằm vừa tránh bỏ sót hoặc trùng lặp trong hoạt động thống kê cũng như giảm thiểu tình trạng chênh lệch số liệu giữa cơ quan thống kê Trung ương với thống kê các bộ, ngành.
TS. Nguyễn Bích Lâm
Quyền Tổng cục trưởng TCTK