Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đây là một nội dung trong bản cập nhật kinh tế mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) có tựa đề "Để đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng" công bố ngày 10/8 tại Hà Nội.
WB dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 4,7% trong năm 2023, sau đó tăng dần lên 5,5% vào năm 2024 và 6% vào năm 2025.
WB cho rằng chính sách tài khóa chủ động đã hỗ trợ nhu cầu ngắn hạn. Việc loại bỏ các hạn chế đối với việc thực hiện hiệu quả đầu tư công và giải quyết các điểm nghẽn cơ sở hạ tầng có thể giúp nền kinh tế đạt được các mục tiêu này và thúc đẩy tăng trưởng dài han.
Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam đang gặp thách thức từ các yếu tố bên trong và bên ngoài. Vì vậy, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ có thể hỗ trợ tổng cầu thông qua đầu tư công hiệu quả, qua đó tạo việc làm và kích thích hoạt động kinh tế.
"Ngoài các biện pháp hỗ trợ ngắn hạn, Việt Nam không nên bỏ qua các cải cách thể chế cơ cấu, bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng và ngân hàng vì những lĩnh vực này là điều bắt buộc đối với tăng trưởng dài hạn", bà Carolyn Turk nói.
Báo cáo đề xuất một số lựa chọn chính sách về phát triển kinh tế. Theo đó, trước tiên, việc thực hiện hiệu quả ngân sách đầu tư công năm 2023 có thể kích thích tổng cầu và tăng trưởng kinh tế. Về xuất khẩu, báo cáo đề xuất đa dạng hóa các sản phẩm và điểm đến xuất khẩu để xây dựng khả năng phục hồi trung hạn trước các cú sốc bên ngoài. Đồng thời, chính sách tài khóa có thể đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong việc khuyến khích thực hành và tiêu dùng xanh, góp phần xây dựng môi trường bền vững.
Chuyên đề đặc biệt của báo cáo nghiên cứu về quản lý đầu tư công của Việt Nam và khuyến nghị cách để đầu tư công có thể đóng góp vào mục tiêu đưa Việt Nam lên mức thu nhập cao hơn.
Bà Vũ Hoàng Quyên, chuyên gia quản trị công cao cấp của WB cho biết đầu tư công được đẩy nhanh đã hỗ trợ cho nền kinh tế nhưng những thách thức trong triển khai vẫn còn tồn tại.
Chuyên gia WB nhận định công tác triển khai đầu tư công đang được đẩy nhanh, khi giải ngân vốn đầu tư công ước tăng tới 43,3% so cùng kỳ năm trước trong nửa đầu năm 2023. Mặc dù vậy, tiến độ triển khai đầu tư công lâu nay vẫn chậm (năm 2022 chỉ đạt 67,3%). Vì vậy, các bước đi nhằm đẩy nhanh và cải thiện hiệu suất triển khai sẽ giúp giải quyết những hạn chế phát sinh về hạ tầng để phục vụ tăng trưởng.
Việt Nam cần cho phép có sự linh hoạt trong các quy định về phân bổ ngân sách được xác định trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế 2022-2023 và cho phép được linh hoạt phần nào để thực hiện một số hoạt động đấu thầu sớm trước khi phân bổ ngân sách. Các cấp có thẩm quyền cần cải tiến cách tiếp cận lựa chọn đối tượng và cơ chế cung cấp hỗ trợ trong hệ thống an sinh xã hội để điều này trở thành công cụ linh hoạt để hỗ trợ cho những người dễ tổn thương khi gặp cú sốc kinh tế.
"Để khai thác sức mạnh của đầu tư công, Việt Nam cần duy trì mức đầu tư, nâng cao chất lượng của dự án và khắc phục những tồn tại trong quản lý đầu tư công và thể chế liên ngành", bà Vũ Hoàng Quyên khuyến nghị.
Ông Đỗ Việt Dũng, cán bộ chương trình cao cấp của WB phân tích thực tế con số thặng dư ngân sách trong 6 tháng đầu năm 2023 (ước tính) là 1,5%, thấp hơn khá nhiều so với năm 2022 (5,2%). Con số chênh lệch 3,7% thể hiện sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ hỗ trợ nền kinh tế, tỉ lệ giải ngân đầu tư công đã có sự cải thiện, đồng thời các chính sách hỗ trợ về thuế cũng gia tăng khiến số thu ngân sách giảm.
"Việc điều hành chính sách là đúng hướng, cần tiếp tục đẩy mạnh trong vấn đề giải ngân đầu tư công, hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng", chuyên gia Đỗ Việt Dũng nói.
Có cùng quan điểm, bà Dorsati Madani, chuyên gia cao cấp WB cho rằng chính sách tài khóa của Việt Nam là đúng hướng, tuy nhiên, thách thức hiện nay là vấn đề thực thi các chính sách, việc triển khai đầu tư công cũng chưa như kế hoạch.
Về chính sách tiền tệ, bà Dorsati Madani nhận định nhìn chung dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều. Chính phủ đã không ít lần chỉ đạo NHNN xem xét nới lỏng và cơ quan này đã có nhiều lần giảm lãi suất điều hành cho phép tái cơ cấu nợ, đồng thời đã hỗ trợ lãi suất cho một số nhóm đối tượng nhất định (như nhà ở xã hội...).
Lãi suất đã giảm đáng kể, cần tính toán cả vấn đề tỉ giá, nếu chỉ dùng các biện pháp này thời gian tới không mang lại hiêu quả, khi lực cầu nền kinh tế còn yếu.
"Tầm quan trọng của chính sách tài khóa đến tăng trưởng kinh tế là rất lớn, cần hỗ trợ triển khai tốt để duy trì đà tăng trưởng, cần tăng chi tiêu cho các chương trình an sinh xã hội, việc làm... giúp cải thiện thiện cầu", chuyên gia Dorsati Madani nói.
Huy Thắng