Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 28/4, tại TPHCM, Công ty CP Tập đoàn Masan (MSN) và 2 công ty con đã niêm yết (Masan Consumer (HNX-UPCoM: MCH) và Masan MEATLife (HNX-UPCoM: MML) đã đồng tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 với chủ đề "Kết nối vạn nhu cầu".
Tại sự kiện, ông Danny Lê, Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan đã làm rõ chiến lược của Masan để xây dựng mạng lưới Point of Life (POL). Theo đó, hệ sinh thái tiêu dùng - công nghệ POL là hệ sinh thái số offline-to-online với 3 thành phần chính: Sản phẩm, dịch vụ Masan cung cấp; hạ tầng thương mại kết nối tất cả các bên trong hệ sinh thái và thứ ba là một nền tảng công nghệ, năng lực phân tích dữ liệu thông qua trí tuệ nhân tạo và máy học cũng như con người và tổ chức của Masan.
Hệ sinh thái POL của Masan sẽ giải quyết 2 vấn đề lớn trong thời gian tới, đó là làm sao để nâng cao hiệu suất trên toàn bộ chuỗi giá trị tiêu dùng. Cụ thể, tích hợp 30.000 cửa hàng offline vào hệ thống logistics đầu cuối 4PL tạo nên một nền tảng logistics có độ phủ rộng trên toàn quốc, giúp giảm chi phí để tiếp cận người tiêu dùng.
Ông Danny Lê cũng giới thiệu mô hình "Mini Mall", một trung tâm mua sắm thu nhỏ. Mô hình này sẽ tích hợp các sản phẩm, dịch vụ phục vụ các nhu cầu cơ bản, nhu cầu tài chính và nhu cầu tiêu dùng trải nghiệm tại một điểm bán WinMart+ duy nhất.
Hiện các cửa hàng thí điểm đã tăng lưu lượng khách hàng hơn 30% và giảm doanh thu để đạt điểm hòa vốn đi 45%, giúp Masan tự tin có thể mở rộng mô hình này trên cả nước, đạt mục tiêu 30.000 cửa hàng trong tương lai.
Trong năm 2022 và 2023, Masan sẽ tiếp tục đà tăng trưởng tốt khi mở rộng đầu tư vào công nghệ với trọng tâm áp dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) và ML (máy học) để cải thiện hiệu quả kinh doanh cũng như tái định hình trải nghiệm tiêu dùng để thực sự trở thành một hệ sinh thái tiêu dùng - công nghệ.
Công nghệ AI và ML sẽ không chỉ giúp công ty cung cấp một chương trình khách hàng thân thiết được cá nhân hóa cho hơn 2 triệu người tiêu dùng mà còn gia tăng sự tiện lợi khi giúp họ có thể mua sắm offline và online một cách đơn giản với chi phí phải chăng.
Song song, Masan cũng sẽ áp dụng AI và ML để tiếp cận những tệp khách hàng mới, phát hành 1 triệu thẻ tín dụng và phổ biến dịch vụ tài chính đến những người chưa có tài khoản ngân hàng. Sau khi sở hữu nền tảng B2C quy mô lớn, Công ty sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ cho khách hàng doanh nghiệp (B2B).
Tầm nhìn 2025, Masan dự kiến tiết kiệm 15% chi phí của chuỗi giá trị từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Công ty cũng cũng hướng đến việc phục vụ 30-50% người tiêu dùng Việt Nam, với giá trị vòng đời đạt đến 30-50 tỷ USD.
Cũng tại sự kiện này, Tập đoàn Masan công bố kế hoạch hợp tác với Công ty phần mềm Trusting Social để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào hoạt động. Cụ thể, Masan đầu tư 65 triệu USD mua 25% cổ phần của Công ty Trusting Social, công ty con tại Việt Nam của Trust IQ Pte. Ltd. có trụ sở tại Singapore.
Ông Nguyên Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Masan, cho biết thỏa thuận hợp tác với Trusting Social góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Masan trở thành hệ sinh thái tiêu dùng - công nghệ tích hợp từ offline đến online. Qua đó cung cấp các giải pháp ứng dụng AI và fintech (công nghệ tài chính) trong bán lẻ và tiêu dùng, mang đến trải nghiệm khách hàng vượt trội.
Theo kế hoạch tài chính được đề xuất với các cổ đông, doanh thu thuần hợp nhất của Tập đoàn Masan năm 2022 ước sẽ đạt từ 90.000-100.000 tỷ đồng, tăng trưởng 22%-36% so với mức 74.200 tỷ đồng trong năm 2021. Lợi nhuận sau thuế ước tính từ 6.900-8.500 tỷ đồng, tăng 82-124% so với lợi nhuận 3.800 tỷ đồng của cả năm 2021.
Ngọc Tấn