Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hội nghị toàn thể Tiểu ban khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APRC) thuộc Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO) - Ảnh: VGP/HT
Theo lãnh đạo UBCKNN: Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu đang chứng kiến những biến động lớn nên thu hút sự tham gia của nhiều đại diện cấp cao, trong đó có ông Rodrigo Buenaventura – Tổng Thư ký IOSCO; bà Julia Leung – Tổng Giám đốc điều hành Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng tương lai Hồng Kông (SFC) -Trung Quốc, Chủ tịch APRC; ông Joseph Long – Phó Chủ tịch APRC, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Úc (ASIC) cùng lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam (UBCKNN).
Phát biểu tại hội nghị, bà Julia Leung nhấn mạnh rằng thị trường chứng khoán khu vực đang thay đổi nhanh chóng nhờ tiến bộ công nghệ, mang lại cả cơ hội lẫn thách thức. Do đó, việc hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý là điều kiện tiên quyết để đảm bảo thị trường vận hành minh bạch, hiệu quả.
Bà Julia Leung – Tổng Giám đốc điều hành Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng tương lai Hồng Kông (SFC)-Trung Quốc - Ảnh: VGP/HT
Tại hội nghị, các đại biểu đã bàn thảo những vấn đề trọng tâm của thị trường chứng khoán như: Ứng dụng công nghệ trong giám sát và cưỡng chế thực thi, theo đó, các cơ quan quản lý tìm kiếm giải pháp tận dụng công nghệ tài chính (Fintech) để nâng cao hiệu quả giám sát. Đại diện các cơ quan chứng khoán cũng thảo luận về giải pháp ngăn chặn gian lận và các rủi ro trực tuyến trước sự gia tăng của các hình thức lừa đảo trên không gian mạng, việc nâng cao cơ chế bảo vệ nhà đầu tư là cấp thiết.
Các giải pháp tài chính bền vững với định hướng phát triển thị trường chứng khoán gắn với tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị) nhằm thu hút dòng vốn chất lượng cao. Lãnh đạo và chuyên gia trong ngành chứng khoán cũng trao đổi về thị trường tài sản số với các phân tích tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) và tiền điện tử đối với thị trường tài chính.
Tại Hội nghị, các nhóm công tác của IOSCO và APRC đã cập nhật lộ trình của IOSCO trong việc bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ trên môi trường trực tuyến, cập nhật về các hoạt động của nhóm công tác APRC về Lừa đảo và mối nguy hại trực tuyến. Các thành viên cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm và đề xuất phương pháp tiếp cận mang tính khu vực để tăng cường bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ; chiến lược quản lý, cách tiếp cận chính sách để tăng cường khả năng chống chịu và tạo ra thị trường giao dịch sôi động, sử dụng các giải pháp công nghệ quản lý/công nghệ giám sát trên thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, các thành viên trao đổi quan điểm và nhận thức về việc triển khai Hội đồng Tiêu chuẩn Bền vững Quốc tế (ISSB), xây dựng các thị trường các-bon, thảo luận tiến trình quản lý và giám sát liên qua đến tài sản số, trí tuệ nhân tạo (AI).
Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương khẳng định cam kết tiếp tục thúc đẩy các tiêu chuẩn quản lý minh bạch, hội nhập với thông lệ quốc tế - Ảnh: VGP/HT
Đại diện phía Việt Nam, Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương khẳng định cam kết tiếp tục thúc đẩy các tiêu chuẩn quản lý minh bạch, hội nhập với thông lệ quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường tài chính biến động nhanh, các cơ quan quản lý cần tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin và áp dụng công nghệ vào quản lý rủi ro.
"Chính những vấn đề mang tính thời sự, chưa từng có tiền lệ, có phạm vi tác động phi biên giới này đòi hỏi các cơ quan quản lý chúng ta phải tăng cường hợp tác, thúc đẩy các cơ chế chia sẻ và trao đổi thông tin phục vụ giám sát và cưỡng chế thực thi hiệu quả đảm bảo thị trường chứng khoán hoạt động hiệu quả, minh bạch và bền vững" Chủ tịch UBCKNN nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo ngành chứng khoán: Hội nghị lần này đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan quản lý chứng khoán khu vực. Thông qua các thỏa thuận hợp tác, thị trường chứng khoán Việt Nam không chỉ được nâng cao vị thế mà còn có cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ các nền tài chính tiên tiến.
Đáng chú ý, trong khuôn khổ hội nghị năm nay, Việt Nam tiếp tục ký kết biên bản ghi nhớ đa phương về giám sát (S-MMOU). Đây là bước tiến quan trọng giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tiệm cận các chuẩn mực quốc tế, đồng thời củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài.
Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng của Chính phủ và Bộ Tài chính trong việc phát triển thị trường chứng khoán minh bạch, hiệu quả. Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu đưa thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn dài hạn quan trọng, đồng thời nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Để làm được điều đó, Việt Nam không chỉ cần hoàn thiện khung pháp lý mà còn phải tăng cường hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực giám sát.
Anh Minh