Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Quảng Uyên có địa hình phức tạp, chủ yếu là núi đá vôi, thiếu đất canh tác, thiếu nước sản xuất, nên việc phát triển kinh tế nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Do vậy, Quảng Uyên có nhiều nghề thủ công truyền thống với những sản phẩm chất lượng cao được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến như sản phẩm rèn đúc và dệt vải ở xã Phúc Sen, nghề làm ngói máng ở xã Tự Do, làm hương thắp ở xã Quốc Dân... Nhận rõ tiềm năng kinh tế này, huyện đã đầu tư kính phí cho các thợ thủ công tiêu biểu đi tham quan học tập, nâng cao kỹ thuật sản xuất và phương pháp quảng bá sản phẩm, tiếp cận thị trường; đưa sản phẩm thủ công truyền thống của huyện đi giới thiệu, chào hàng tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh; tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất vay vốn mở rộng sản xuất.
Từ sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền, TTCN và nghề truyền thống ở Quảng Uyên đã phát triển khá mạnh. Hiện nay, huyện có 450 cơ sở sản xuất theo quy mô hộ gia đình, tổ sản xuất, thu hút trên 850 lao động mang tính công nghiệp. Trong đó, có 81 cơ sở sản xuất ngói, 50 cơ sở sản xuất giấy bàn, 46 cơ sở sản xuất hương thắp, 168 cơ sở rèn đúc sản xuất dao, búa, liềm, nông cụ.
Trong các xã của huyện, Phúc Sen là nơi có nhiều nghề truyền thống nhu rèn đúc, đan lát, trồng bông dệt vải, sản xuất vật liệu xây dựng. Nổi bật là nghề rèn đúc, hiện xã có 158 lò rèn đúc với 450 thợ thủ công lành nghề mỗi năm tạo ra giá trị 4,4 tỷ đồng. Xã Tự Do cũng được nhiều người biết đến với nghề làm ngói máng đất nung. Xã có 3 xóm (Kẻo Rỏn, Lũng Cát, Lũng Rì) với 125 hộ làm nghề sản xuất ngói thủ công. Ngói ở đây chất lượng tốt nên khách ở nhiều huyện xa cũng đến mua. Tính trung bình, một người thợ làm ngói có thể kiếm được 150 nghìn đồng/ngày. Điều có ý nghĩa là ngoài những lúc nông nhàn, người dân không đi lao động xa, không đầu tư nhiều vốn mà vẫn có thể tạo thu nhập ổn định từ nghề truyền thống. Nghề làm ngói đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, ổn định kinh tế gia đình. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của 3 xóm có nghề làm ngói còn 18%, thấp hơn tỷ lệ trung bình của huyện gần 10%.
Bên cạnh nghề truyền thống, các cơ sở khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng cũng không ngừng phát triển, tạo việc làm cho lao động và đóng góp cho ngân sách địa phương. Từ năm 2005 đến nay, huyện thành lập mới 17 hợp tác xã 4 doanh nghiệp tư nhân hoạt động trên lĩnh vực khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng. Huyện đang lập đề án xây dựng nhà máy gạch tuy nen công suất 20 triệu viên/năm phục vụ nhu cầu xây dựng tại địa phương và cung cấp cho các huyện miền Đông.
Đồng chí Nguyễn Thái Hà, Phó Bí thư Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Quảng Uyên không có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp và nông nghiệp nên huyện đang tập trung phát triển TTCN, đặc biệt là các nghề truyền thống. Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ tiếp tục xác định phải đẩy mạnh hơn nữa phát triển công nghiệp và TTCN, ưu tiên phát triển các nghề truyền thống. Huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất công nghiệp chế biến nông, lâm sản với quy mô phù hợp.