Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hội nghị đánh giá kết quả phối hợp thực hiện công tác pháp chế năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chủ trì.
Theo Ban tổ chức, Hội nghị này nhằm đánh giá chính xác, khách quan, toàn diện về những việc đã làm được, những ưu điểm trong công tác pháp chế; phân tích, chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm; phát hiện những vấn đề mới phát sinh để đề ra các giải pháp tháo gỡ, khắc phục nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn công tác này trong bối cảnh thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo là rất cần thiết và có ý nghĩa thiết thực.
Đồng thời, đây là diễn đàn để các đơn vị chức năng, các chuyên gia pháp luật có sự thảo luận, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm; có hướng tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong công tác pháp chế của Bộ Giáo duc và Đào tạo, đi đến thống nhất các giải pháp nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác pháp chế.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan của Bộ Tư pháp trong việc tổ chức soạn thảo các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Để có được những kết quả đó, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự quan tâm, phối hợp, hỗ trợ và đồng hành của Bộ Tư pháp là vô cùng quan trọng.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc “Với các kết quả của công tác pháp chế của năm 2023 cho phép chúng ta tin tưởng rằng, Chương trình phối hợp thực hiện công tác pháp chế giai đoạn 2020 - 2025 giữa hai Bộ sẽ đạt được những kết quả quan trọng và to lớn hơn, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ của Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục và Đào tạo”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo mong các đại biểu trao đổi, thảo luận, đánh giá thẳng thắn, khách quan về kết quả thực hiện Chương trình phối hợp công tác pháp chế giữa Bộ Giáo dục và Bộ Tư pháp trong năm 2023 và có ý kiến về Kế hoạch phối hợp thực hiện công tác pháp chế năm 2024; việc thực hiện công tác pháp chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đề xuất, gợi mở giúp chúng tôi các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa hai Bộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác pháp chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian tiếp theo.
Tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Đỗ Thanh Hương đã thông tin Dự thảo Kế hoạch phối hợp thực hiện công tác pháp chế giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tư pháp năm 2024. Năm 2024, hai Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ công tác xây dựng pháp luật; kiểm tra, xử lý VBQPPL, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL, pháp điển quy phạm pháp luật, hợp nhất VBQPPL; phổ biến, giáo dục pháp luật; quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật; bồi thường nhà nước.
Hai Bộ sẽ tổ chức kiểm tra công tác pháp chế của các sở GD&ĐT và cơ sở giáo dục đại học, kiểm tra việc ban hành văn bản có liên quan đến lĩnh vực giáo dục địa phương; tổ chức kiểm tra tiến độ soạn thảo VBQPPL của các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT. Trong đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp củng cố, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế giáo dục từ Trung ương đến các sở GD&ĐT và cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm.
Phát biểu bế mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đánh giá cao kết quả phối hợp giữa hai Bộ trong thời gian qua và đề nghị các đơn vị của hai Bộ bám sát nội dung chương trình, kế hoạch phối hợp và trao đổi nghiêm túc để đạt được các mục tiêu đề ra. Thứ trưởng Trần Tiến Dũng mong muốn lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục dành sự quan tâm, chỉ đạo sát sao các đơn vị chức năng thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác pháp chế trong thời gian tới.
* Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đã ký kết kế hoạch phối hợp thực hiện công tác pháp chế giữa Bộ GD&ĐT, Bộ Tư pháp năm 2024.
LS