Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nói về xu hướng giá thịt lợn giảm trong thời gian vừa qua, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng nguyên nhân chủ yếu vì hiện nay việc sản xuất thịt lợn rơi vào tình trạng "cung" vượt "cầu".
Ông Dương nhấn mạnh: "Sức mua trong nước không tăng nhưng thịt lợn sản xuất trong nước và nhập khẩu đều tăng. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của người dân hiện nay cũng không nhiều như những năm trước. Người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các loại thực phẩm khác như tôm, cá, thịt bò, thịt gia cầm...".
Theo Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, thời gian tới người chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi nông hộ sẽ giảm dần việc tái đàn nhưng sẽ giảm theo xu hướng từ từ vì chưa có tín hiệu giá lợn có thể tăng trở lại ngay.
Tại họp báo thường kỳ quý I/2023 ngày 31/3 của Bộ NN&PTNT, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết giá lợn hơi đang thấp không phải chỉ ở Việt Nam mà là xu hướng chung của toàn cầu do ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng, và tiếp sau đó là suy giảm kinh tế nói chung khiến người dân thắt chặt chi tiêu.
Ông Chinh thông tin chi tiết: "Từ quý IV/2022 đến nay, giá lợn hơi ba miền liên tục đi ngang, ngay cả trong cao điểm tiêu thụ Tết Nguyên đán. Cập nhật đến ngày 31/3, giá lợn đang ở mức 47.000 – 50.000 đồng/kg, giảm 5-10% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 40-45% so với cùng kỳ năm 2020, 2021".
So sánh ngay với Trung Quốc, ông Chinh cho biết: "Trung Quốc có thời điểm năm 2022 giá lợn hơi cao hơn của Việt Nam 25.000 – 27.000 đồng/kg nhưng hiện nay đã ngang với Việt Nam là 2,1 USD/kg, tương đương hơn 49.000 đồng/kg. Tương tự, giá lợn hơi của Philippines, Thái Lan cũng ở mức thấp".
Lý giải thêm về nguyên nhân giá thành sản xuất chăn nuôi lợn đang cao, ông Chinh cho biết: "Dịch COVID-19 đã đẩy giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao và liên tục, cho đến thời điểm này cũng chưa thể khẳng định được đến khi nào giá thức ăn chăn nuôi ổn định trở lại".
Ông Tống Xuân Chinh cho biết, để cân bằng được thị trường chăn nuôi lợn cần nắm bắt được thông tin thị trường. Theo ông Chinh, thực tế nhiều nông hộ và các trang trại chăn nuôi thời gian qua (khi chăn nuôi đang "được" giá) rất tập trung vào áp dụng công nghệ để cải thiện năng suất. Trong khi đó, khi thị trường có dấu hiệu giảm "cầu" nhiều nông hộ vẫn tăng việc tái đàn.
Cục phó Cục Chăn nuôi cho rằng để giải quyết khó khăn cho người chăn nuôi và doanh nghiệp, thị trường là mấu chốt. Ngoài việc cung ứng cho thị trường trong nước, người chăn nuôi và doanh nghiệp cần chuyên nghiệp hơn để có thể xuất khẩu những sản phẩm chăn nuôi đang dư thừa, giảm bớt sức ép cho thị trường.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật cụ thể nhằm giảm giá thành sản xuất như phối trộn thức ăn chăn nuôi tại chỗ, tận dụng tối đa các nguyên liệu của địa phương, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo mục tiêu đa giá trị.
Đồng thời, trong bối cảnh giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn neo cao, Cục Chăn nuôi đã đề xuất Bộ NN&PTNT giảm 2% thuế với đậu tương và khô dầu, Bộ đã có báo cáo lên Chính phủ về vấn đề này.
Liên quan đến mảng thức ăn chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NN&PTNT đã đề nghị các tập đoàn như C.P, Deheus trồng nguyên liệu (sắn, ngô, đậu tương) tại chỗ để cân đối giá thành thức ăn chăn nuôi.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng giải pháp tốt nhất để bình ổn được giá thịt lợn vẫn là nâng cao chất lượng con giống, giảm chi phí thức ăn. Đồng thời tăng chế biến và tiến tới xuất khẩu để giảm sức ép tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Đỗ Hương