Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trong 2 ngày (25-26/4), Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN (Bộ KH&CN) tổ chức hội nghị tập huấn "Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông KHCN và đổi mới sáng tạo" kết hợp chương trình thực tế tại Quảng Nam và Đà Nẵng.
Phát biểu tại Hội nghị tập huấn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang cho biết, trong thời gian qua, KH&CN đã từng bước khẳng định vai trò động lực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc. KH&CN hiện hữu trong tất cả các ngành, lĩnh vực, các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Nhận thức đầy đủ về vai trò của KH&CN, đi đôi với sự quan tâm đúng mức, cụ thể, thiết thực của các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị là vấn đề quan trọng số một để KH&CN có thể phát triển và thực hiện tốt sứ mệnh của mình.
Để KH&CN thực sự trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, là nền tảng và động lực để đổi mới mô hình tăng trưởng thì công tác truyền thông KH&CN đóng vai trò hết sức quan trọng.
Những năm qua, công tác truyền thông KHCN và đổi mới sáng tạo đã được chú trọng nhằm chia sẻ thông tin chính xác, kịp thời, truyền tải những chính sách mới, truyền thông những cách làm hay, mô hình tốt cũng như đưa ra phân tích, đóng góp về mặt chính sách cho sự phát triển chung của ngành KH&CN. Tuy nhiên, công tác truyền thông KHCN và đổi mới sáng tạo vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn.
Trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu phát triển của KHCN và đổi mới sáng tạo phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, còn nhiều nhiệm vụ quan trọng cả ngành KHCN phải nỗ lực triển khai, trong đó có hoạt động truyền thông về KHCN.
Trao đổi một số nội dung về đổi mới sáng tạo và vai trò của truyền thông, ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ KH&CN) cho biết, mặc dù đã có nhiều kết quả nhất định nhưng vai trò và đóng góp của đổi mới sáng tạo vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng, chưa tương ứng với mức độ phát triển quốc gia cũng như xu hướng chung của thế giới.
Hiệu quả triển khai các chương trình, đề án để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, đặc biệt là khuôn khổ, hành lang pháp lý chưa đầy đủ; sự chồng chéo, thiếu đồng bộ, thống nhất ở tầm văn bản luật như giữa Luật KH&CN với các luật ở các lĩnh vực khác có liên quan.
Tới đây, Bộ KH&CN sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan làm rõ khái niệm, nội hàm về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, phân biệt với các chủ thể khác; thống nhất sử dụng các thuật ngữ trong hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo. Quy định về điều kiện, tiêu chí đối với việc thành lập, hoạt động của các tổ chức, cá nhân hoạt động, hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo.
Bên cạnh đó, thống nhất, đồng bộ hóa các cơ chế, chính sách hiện đang quy định phân tán trong các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau; áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đã được quy định để thúc đẩy, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân hoạt động, hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo; bổ sung các quy định mới trong khuôn khổ pháp luật hiện hành...
Trong quá trình này, rất cần sự phối hợp của các cơ quan báo chí để xã hội hiểu rõ hơn, đồng thời truyền cảm hứng và khát vọng sáng tạo trong cộng đồng; góp phần hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo…
Chia sẻ về những nhiệm vụ trọng tâm của ngành KHCN trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh việc đổi mới sáng tạo chính trong chính hoạt động truyền thông về KHCN.
Đồng thời đề nghị các đơn vị của Bộ, các sở KH&CN tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí trong vấn đề truyền thông chính sách về KHCN, hoạt động xây dựng thể chế, pháp luật, đặc biệt là việc sửa đổi, bổ sung Luật KH&CN, các đạo luật chuyên ngành, các chính sách mới về KHCN và đổi mới sáng tạo.
Để hoạt động truyền thông KHCN và đổi mới sáng tạo thêm phong phú, sinh động và ngày càng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, Bộ KH&CN sẽ tổ chức các khóa tập huấn; tăng cường gắn kết, chia sẻ thông tin với các cơ quan báo chí về các định hướng cơ chế chính sách, thành tựu, vấn đề thực tiễn đặt ra của ngành…
Phan Thu