Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Triển khai áp dụng phương thức sản xuất nông nghiệp tốt |
Trong số các giải pháp thực hiện nghĩa vụ Hiệp định SPS, đáng chú ý nội dung xây dựng các hệ thống giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và các dịch bệnh truyền qua thực phẩm; xây dựng mạng lưới và triển khai chương trình quốc gia dự báo sâu hại và dịch bệnh trên động thực vật và đưa ra các biện pháp phòng trừ phù hợp giúp giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất; nghiên cứu giải pháp xử lý sau thu hoạch các loại rau quả trước khi xuất khẩu phù hợp với các quy định của Hiệp định này.
Bên cạnh đó là các giải pháp xây dựng hài hòa các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của Việt Nam với tiêu chuẩn của CODEX (Ủy ban về an toàn thực phẩm), OIE (Tổ chức Thú y thế giới) và IPPC (Công ước Bảo vệ thực vật quốc tế); xây dựng đề án "Một tiêu chuẩn" cho sản phẩm xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.
Đáp ứng nghĩa vụ thành viên WTO, Việt Nam sẽ triển khai áp dụng phương thức sản xuất nông nghiệp tốt (GAPs), chăn nuôi tốt (GAHP) và nuôi trồng thủy sản tốt (GFPs), thực hành sản xuất tốt (GMP) và phân tích nguy cơ và kiểm soát tại các khâu then chốt trong quá trình chế biến (HACCP), tất cả đảm bảo dựa trên nguyên tắc quản lý chất lượng từ trang trại tới bàn ăn. Bên cạnh đó, tiến hành đào tạo, tập huấn về quản lý sản xuất và cung ứng thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, rau quả tươi phù hợp với yêu cầu VSATTP của các quốc gia phát triển.
Đồng thời, thiết lập và duy trì mạng lưới ứng phó khẩn cấp với các tình huống ngộ độc thực phẩm và dịch bệnh đối với người, sâu bệnh và dịch hại đối với trồng trọt và chăn nuôi; xây dựng chiến lược tiêm phòng đối với bệnh ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi và sản xuất như lở mồm long móng, dịch tả lợn cổ điển, dịch lợn tai xanh và cúm gia cầm.
Hiệp định SPS được ban hành và có hiệu lực cùng với sự ra đời của WTO vào ngày 1/1/1995. Hiệp định liên quan đến việc áp dụng các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, thú y và bảo vệ thực vật. Mục đích cơ bản của Hiệp định SPS là duy trì quyền lợi tối cao của tất cả các nước thành viên, đó là xây dựng mức bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của con người, động thực vật thích hợp, nhưng phải đảm bảo rằng các quyền lợi này không bị lạm dụng với mục đích bảo hộ và không được tạo ra các rào cản thương mại quốc tế trá hình. |
Phương Mai
(Nguồn: Quyết định 147/2008/QĐ-TTg)