Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Sau khi nghe báo cáo của tỉnh, gợi ý thảo luận, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, qua báo cáo của tỉnh, tình hình chung vẫn còn khó khăn, nhưng tỉnh đã rất nỗ lực và đạt được những kết quả nhất định.
Trong kỳ họp lần trước (11/5), tỉnh Tây Ninh đã có những kiến nghị, trong đó có những kiến nghị đã được các bộ, ngành giải quyết, nhưng còn nhiều kiến nghị vẫn đang tiếp tục hoặc chưa được xử lý.
Nhấn mạnh mục đích chính của cuộc họp này là để bàn thảo, tháo gỡ khó khăn cho địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị đại diện các bộ, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao có ý kiến trao đổi thẳng thắn, rõ ràng để có biện pháp triển khai quyết liệt, hiệu quả tháo gỡ khó khăn cho địa phương, những vấn đề thuộc thẩm quyền chung thì tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
"Nếu không sát sao với công việc, không cụ thể, thời gian sẽ cứ trôi đi, nhưng thực hiện lại không hiệu quả", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam nhấn mạnh vị trí hết sức quan trọng về quốc phòng an ninh của Tây Ninh. Những năm qua, công tác này luôn được đảm bảo, góp phần để địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian tới, Bộ Quốc phòng đề nghị tỉnh Tây Ninh tiếp tục phối hợp chặt chẽ để quản lý tuyến biên giới, các công trình quốc phòng. Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, kịp thời với tỉnh, nhất là trong triển khai các dự án lớn, nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế và quốc phòng.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân đánh giá kết quả phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Tây Ninh trong 6 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng, nhất là về tăng trưởng tín dụng, thủ tục thuận lợi,…
Khó khăn chính của tỉnh hiện nay là sản xuất công nghiệp, đơn hàng các mặt hàng chủ lực sụt giảm (hàng xuất nhập khẩu); kim ngạch xuất nhập khẩu giảm tương đối lớn.
Trong 10 kiến nghị của tỉnh Tây Ninh đối với các bộ ngành nêu từ cuộc làm việc tháng 5/2023, các bộ ngành mới xử lý được 2; có 4 kiến nghị đang giải quyết,… như vậy tiến độ chưa đạt như mong muốn. Trong cuộc họp này, tỉnh tiếp tục nêu các kiến nghị, Văn phòng Chính phủ sẽ phối hợp với các bộ ngành để xử lý.
Trao đổi tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung đánh giá cao Tây Ninh đã nỗ lực, đạt kết quả tốt về giải ngân vốn đầu tư công, cập nhật số liệu đến tháng 7, tỉnh giải ngân đạt 60,04%, trong đó vốn Trung ương trên 45,41%, địa phương trên 66%.
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cũng trao đổi thẳng thắn với tỉnh Tây Ninh về các nội dung liên quan đến việc triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh gồm: Cao tốc TPHCM – Mộc Bài; Gò Dầu – Xa Mát;…
Đối với những kiến nghị mới của Tây Ninh, nhất là dự án thủy lợi, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định sẽ sát cánh với tỉnh để tham mưu cho cấp có thẩm quyền, xem xét giải quyết, thực hiện các mục tiêu đề ra.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết sắp tới Bộ sẽ triển khai một số hạng mục công trình đi qua địa bàn tỉnh, cần giải phóng mặt bằng, rất mong UBND tỉnh Tây Ninh phối hợp hỗ trợ.
Đối với 2 dự án cao tốc chiến lược thì cao tốc TPHCM - Mộc Bài hiện đang hoàn thiện hồ sơ, trong đó sẽ bổ sung hỗ trợ vốn, do đó tỉnh cần làm rõ các hạng mục, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với tỉnh triển khai. Về dự án Gò Dầu – Xa Mát, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với tỉnh về phương án tuyến, quy trình kĩ thuật để trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đề nghị tỉnh Tây Ninh tập trung phát triển các vùng nông nghiệp trọng điểm phục vụ thị trường TPHCM và xuất khẩu.
Đồng thời, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị Tây Ninh tiếp tục triển khai các biện pháp xây dựng nông thôn mới ở các khu vực biên giới; xây dựng trung tâm logistic về nông sản, góp phần hiệu quả vào phát triển kinh tế cửa khẩu…
Đại diện Bộ Xây dựng đánh giá việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân là một điểm sáng, tỉnh Tây Ninh cần tiếp tục quan tâm hơn nữa, không chỉ hoàn thành chỉ tiêu đề ra mà còn đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người lao động trên địa bàn. Do đó, tỉnh cần rà soát lại để có cơ sở, có quy hoạch, bố trí quỹ đất hợp lý cho phát triển nhà ở.
Đại diện Bộ Công Thương đánh giá cao những điểm sáng quan trọng như thu hút FDI tăng hơn 2 lần, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, tạo nền tảng phát triển sau này. Tỉnh cũng đã phê duyệt quy hoạch các cụm công nghiệp, tỉ lệ lấp đầy rất cao (88,5%) so với bình quân cả nước. Bên cạnh đó, việc phát triển thị trường trong nước cũng tăng trên 10%.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung do thị trường nước ngoài bị thu hẹp nên xuất nhập khẩu khó khăn, cần phải tập trung khắc phục, nhất là cần tiếp tục phát huy vai trò trụ đỡ của thị trường trong nước, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tập trung, phát huy lợi thế của các cửa khẩu quốc tế trên địa bàn...
Đại diện Bộ Công Thương cũng đề nghị tỉnh Tây Ninh tập trung phát triển nguồn lao động chất lượng cao; nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp,… để đón dòng đầu tư lan tỏa dần từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá cao công tác quản lý khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh. Đồng thời trao đổi với tỉnh Tây Ninh về các kiến nghị của tỉnh liên quan đến việc quản lý đất đai nhằm phát triển các dự án nhà ở.
Đại diện Bộ Tài chính đánh giá cao những tín hiệu tích cực của tỉnh Tây Ninh đã đạt được. Theo cập nhật của Bộ Tài chính đến ngày 28/7, các khoản thu có dự toán lớn năm 2023 trên địa bàn tỉnh đạt rất cao (đều trên 60%, thậm chí có khoản đạt tới 80%). Khả năng dự toán của tỉnh năm 2023 là rất khả quan.
Về đầu tư công, kết quả giải ngân của Tây Ninh đứng top đầu cả nước. So với dự toán Thủ tướng giao đạt 60%. Đại diện Bộ Tài chính đề nghị tỉnh chỉ đạo các sở, ban quản lý dự án,… quan tâm đến việc quản lý hợp đồng, đảm bảo đúng quy định; quan tâm chỉ đạo công tác quyết toán. Đồng thời, đại diện Bộ Tài chính cũng trao đổi về những kiến nghị cụ thể của tỉnh gắn với công tác quản lý Bộ (liên quan đến vốn ODA; cổ phần hóa các công ty cấp nước).
Sau khi nghe ký kiến phát biểu của các bộ ngành, trao đổi của địa phương, phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá: Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đạt được rất nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, trong quý II/2023 tăng trưởng kinh tế đạt 5,25% và đạt mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm là 4,07% (cao hơn mặt bằng chung cả nước).
Trong toàn vùng Đông Nam Bộ, Tây Ninh đứng thứ 2 về tăng trưởng kinh tế, sau tỉnh Bình Phước. Kết quả này thể hiện sự lãnh đạo điều hành rất tích cực, hiệu quả cũng như nỗ lực của doanh nghiệp trên địa bàn.
Về thu ngân sách, tỉnh đạt dự toán rất khá (trên 50%), thu nội địa tăng. Trong đầu tư xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là một điểm sáng. Các hoạt động khác về văn hóa, xã hội, an sinh được quan tâm, quốc phòng, an ninh được đảm bảo.
Tỉnh rất nghiêm túc, cầu thị, theo sát tình hình, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tích cực, phối hợp với các bộ ngành địa phương đề xuất dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài, Gò Dầu - Xa Mát,... Đây là những dự án rất quan trọng phục vụ cho sự phát triển trong tương lai.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Tây Ninh còn những tồn tại, hạn chế. Tăng trưởng chưa được như kỳ vọng, áp lực rất lớn, cần phải nỗ lực đạt mục tiêu đề ra. Cũng như cả nước, khu vực doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh đã bào mòn sức chống chịu, lại tiếp tục gặp khó khăn do thị trường quốc tế chủ lực bị thu hẹp,…
Khó khăn còn nhiều, nên giữa Trung ương và địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để giải quyết các vấn đề có trọng tâm, trọng điểm, làm sao trong điều kiện khó khăn, phải huy động hết các nguồn lực, khai thác các tiềm năng, thế mạnh để đạt kết quả cao nhất trong phát triển kinh tế-xã hội.
Về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình diễn biến rất nhanh, tác động khó lường, do đó, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình tỉnh Tây Ninh cần tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động nắm bắt, dự báo tình hình, sẵn sàng các giải pháp điều hành, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát huy cao nhất các tiềm năng, thế mạnh để duy trì phát triển.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý tỉnh Tây Ninh không được chủ quan, cần đánh giá kỹ các nguồn thu, tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt công tác thu ngân sách, ít nhất phải thực hiện được dự toán, không để bị động trong chi tiêu, trong đó có chi đầu tư.
Đối với các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu,… Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, đề nghị tỉnh bám sát để triển khai, trong đó ưu tiên tập trung triển khai các biện pháp kích cầu, phát triển thị trường trong nước.
Đồng thời, tiếp tục tập trung triển khai các biện pháp tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư, trong đó có đầu tư công trên địa bàn. Đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân đầu tư công để đưa dòng tiền vào lưu thông, tăng cường khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần tăng trưởng tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Phó Thủ tướng yêu cầu căn cứ quy định của pháp luật, thực hiện phân cấp phân quyền, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp nhanh chóng, hiệu quả.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phân công, phân cấp, giao nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ rách nhiệm, gắn với kiểm tra, giám sát; tránh tình trạng cán bộ, công chức, viên chức e ngại, né tránh trách nhiệm, không tham mưu, đề xuất,… dẫn đến công việc đình trệ.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của địa bàn Tây Ninh, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Tây Ninh cũng như các bộ ngành cần hết sức quan tâm đến công tác quản lý đường biên giới, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Về các kiến nghị cụ thể của tỉnh Tây Ninh, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: Đối với những kiến nghị đang xử lý và những kiến nghị mới, đề nghị các bộ, ngành quan tâm, xử lý khó khăn, vướng mắc. Đề nghị tỉnh Tây Ninh căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quy định của pháp luật đề xuất các kiến nghị rõ ràng, sát với tình hình, để có thể xử lý kịp thời, hiệu quả, đúng thẩm quyền.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng cho ý kiến cụ thể đối với các kiến nghị của tỉnh Tây Ninh liên quan đến Khu công nghiệp Hiệp Thạnh; dự án cao tốc TPHCM – Mộc Bài; Cửa khẩu quốc tế Tân Nam; dự án dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng tưới tiêu khu vực phía tây sông Vàm Cỏ giai đoạn 2…
Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp hoàn thiện báo cáo kết quả làm việc ngày hôm nay để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, hoàn thiện Báo cáo tổng thể, tham mưu Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo các bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Tỉnh./.
Trần Mạnh