Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Tiền Giang chở nước ngọt cho người dân Tân Phú Đông đến tháng 6. Ảnh: TTXVN. |
Thiên tai hạn, mặn trong mùa khô 2016 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân nhiều vùng thuộc tỉnh Tiền Giang.
Trước tình hình trên, tỉnh Tiền Giang đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó một cách tích cực như: Huy động phương tiện bơm tát, bơm vét nước ngọt bổ cấp vào nội đồng phục vụ lấy nước chống hạn mặn, làm thủy lợi nội đồng; đầu tư các công trình đường ống đưa nước ngọt về phục vụ cho sinh hoạt của bà con vùng sâu, vùng xa; huy động sà lan chở nước ngọt cho nhân dân huyện Cù lao Tân Phú Đông…
Theo báo cáo của UBND tỉnh Tiền Giang, từ đầu mùa khô 2016 đến nay, địa phương đầu tư 9 tỷ đồng đắp 600 đập tạm; 20,8 tỷ đồng tổ chức 728 điểm bơm chuyền hai, ba cấp ứng cứu trà lúa Đông Xuân ở các huyện, thị nội đồng vùng dự án ngọt hóa Gò Công.
Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ 4 huyện, thị vùng thiên tai là Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, thị xã Gò Công 1,6 tỷ đồng mua sắm phương tiện phục vụ bơm tát chống hạn.
Đối với vấn đề nước sinh hoạt cho nhân dân vùng khó khăn, tỉnh mở khoảng 100 vòi cung cấp nước miễn phí cho bà con ở ven cửa sông, ven biển, ngoài đê đang bị nước mặn vây hãm; huy động sà lan chở được gần 264.000 m3 nước sạch cho huyện Cù lao Tân Phú Đông.
Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, do thiên tai đang diễn biến phức tạp, nên phương án dùng sà lan chở nước ngọt về Tân Phú Đông sẽ kéo dài đến đầu tháng 6 tới.
Hơn 8.000 hộ dân ở Cà Mau cần hỗ trợ nước sinh hoạt khẩn cấp
Theo Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, trong số 14.472 hộ dân ở tỉnh này đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt, có hơn 8.000 hộ dân thuộc diện cần hỗ trợ nước sinh hoạt khẩn cấp.
Để giải quyết vấn đề bức xúc về nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô hạn, UBND tỉnh Cà Mau đã yêu cầu Sở NN&PTNT tỉnh rà soát, ưu tiên đầu tư vốn thi công, nâng cấp sửa chữa các công trình cấp nước tập trung tại những xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn.
Hiện nay, tỉnh gấp rút triển khai nâng cấp sửa chữa, cố gắng hoàn thành trong thời gian sớm nhất một số công trình cấp nước tập trung nông thôn tại xã Biển Bạch, huyện Thới Bình; thi công mở rộng 24.000 m đường ống cấp nước tại xã Khánh Bình Tây Bắc thuộc huyện Trần Văn Thời, xã Khánh Lâm và Khánh Hòa thuộc huyện U Minh.
Dự kiến, đến tháng 6 tới, tỉnh sẽ tiếp tục đưa vào sử dụng thêm 3 công trình cấp nước tập trung nông thôn tại xã Đất Mới thuộc huyện Năm Căn, xã Khánh Bình Tây và Khánh Bình Tây Bắc thuộc huyện Trần Văn Thời.
Cùng với đó, các sở, ngành, chính quyền địa phương cũng đã phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ nước sinh hoạt cho người dân, không để người dân thiếu đói, phải mua nước với giá cao.
Trước mắt, tỉnh chủ trương hỗ trợ 1.450 bồn trữ nước cho các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, gia đình chính sách… đang cần hỗ trợ nước sinh hoạt khẩn cấp.
UBND tỉnh Cà Mau cũng vừa phân bổ hơn 86 tỷ đồng để các địa phương trong tỉnh tiến hành chi hỗ trợ cho nhân dân có cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại do thiên tai, hạn hán.
16 tỉnh có nguy cơ cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm
Theo Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT), hiện nay do nắng nóng, khô hạn, nhiều khu vực trên địa bàn 16 tỉnh là An Giang, Bình Định, Bình Phước, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đồng Tháp, Kiên Giang, Khánh Hòa, Long An, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi và Tây Ninh đang cảnh báo cháy rừng ở cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm).
Chính quyền các địa phương và chủ rừng đang gấp rút triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.
Đáng chú ý, để bảo vệ 45.000 ha rừng tràm U Minh Hạ (Cà Mau) đang cảnh báo cháy rừng ở cấp 5, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã sẵn sàng phương châm “bốn tại chỗ”; sẵn sàng sử dụng xe chuyên dùng của cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và kéo ống nước ra sông, dẫn nước vào rừng chữa cháy.
Anh Kiên (tổng hợp)