• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Để các lễ hội luôn văn minh, an toàn và giữ gìn được bản sắc

(Chinhphu.vn) - Đã thành nét đẹp văn hóa, đầu Xuân mới luôn gắn liền với những lễ hội truyền thống của người Việt. Từ góc nhìn của chuyên gia văn hóa, cần có nhiều giải pháp cụ thể để lễ hội luôn văn minh, an toàn, giữ được những giá trị, bản sắc truyền thống.

26/02/2024 14:32
Để các lễ hội luôn văn minh, an toàn và giữ gìn được bản sắc- Ảnh 1.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - nguyên giảng viên khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội)

Lễ hội - Hệ giá trị văn hóa quý báu

Lễ hội truyền thống là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng được tổ chức với các nghi lễ truyền thống và những hình thức sinh hoạt văn hóa. Lễ hội là dịp để mọi người hướng về cội nguồn, thể hiện sự gắn kết cộng đồng, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp dân cư.

Đây là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian tổng hợp, phản ánh đời sống tinh thần của một cộng đồng dân cư. Nhiều yếu tố văn hóa trong lễ hội được bảo lưu và trao truyền từ đời này sang đời khác, trở thành di sản văn hóa của địa phương.

Theo thống kê, cả nước có 7.966 lễ hội lớn nhỏ. Đa số các lễ hội được tổ chức bởi đơn vị làng, thôn, bản, phum, sóc... Về mặt thời gian tổ chức, theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - nguyên giảng viên khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), lễ hội thường tổ chức vào mùa xuân khi cấy lúa đã xong, mùa gặt chưa tới nên nông nhàn, khí hậu ấm lên, không vướng bão lụt. 

Để các lễ hội luôn văn minh, an toàn và giữ gìn được bản sắc- Ảnh 2.

Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh - Ba Vì

Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, ý nghĩa của lễ hội rất phong phú dựa vào nội dung và mục đích của "lễ" và của "hội": Lễ hội tiền nông nghiệp, lễ hội nông nghiệp, lễ hội lịch sử dựng nước và giữ nước, lễ hội nghề nghiệp, lễ hội tôn giáo, lễ hội danh nhân...

Bên cạnh đó, các lễ hội còn mang những ý nghĩa sâu xa gắn với đời sống và hoạt động lao động sản xuất của người dân: Cố kết cộng đồng, thể hiện truyền thông uống nước nhớ nguồn, khẳng định năng lực trình diễn nghệ thuật, mở rộng quan hệ xã hội, triển lãm sản phẩm, lưu giữ truyền thống văn hóa, phát huy bản sắc cộng đồng, giáo dục ứng xử văn hóa, nghỉ ngơi giải trí tái sản xuất sức lao động...

"Lễ hội là tài nguyên văn hóa truyền thống để lại để hôm nay chúng ta phát huy, phát triển, sáng tạo, tạo nên một nền văn hóa mang bản sắc Việt Nam trong tổng thể văn hóa thế giới, khẳng định nền độc lập của quốc gia - dân tộc", nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ nhận định.

Để các lễ hội luôn văn minh, an toàn và giữ gìn được bản sắc- Ảnh 3.

Nguyên nhân của những tiêu cực hiện nay là người dân còn thiếu kiến thức, hiểu biết đầy đủ về di sản văn hóa, các nhân vật được thờ phụng.

Còn nhiều mặt trái cần chấn chỉnh

Có một thực tế rằng, hầu hết các lễ hội đều được tổ chức trang trọng, nhưng ngay trong các lễ hội, vẫn tồn tại những biểu hiện tiêu cực, hành vi trái thuần phong mỹ tục hoặc thậm chí là vi phạm pháp luật như trộm cắp tài sản, cờ bạc, bói toán, một số hoạt động mang tính chất mê tín, dị đoan… khiến người dân hoang mang, lo lắng và gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, làm giảm sút các giá trị truyền thống của lễ hội.

Đề cập đến vấn đề tiêu cực trong lễ hội, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ cho biết, sự nghiệp đổi mới đã xây dựng được một nền tảng kinh tế nhất định để phục hưng các lễ hội truyền thống. Tuy nhiên, kinh tế thị trường phát triển cũng khiến tâm lý xã hội nghiêng về ganh đua và chạy theo các giá trị vật chất. Điều đó cũng dần len lỏi vào việc tổ chức lễ hội khi mục tiêu thương mại được ưu tiên hàng đầu, không chỉ tạo nên sự phản cảm về tâm lý mà còn bào mòn các giá trị văn hóa, tinh thần của lễ hội truyền thống.

Cùng nhận định về sự biến đổi của lễ hội hiện nay so với trước đây, GS.TS. Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho rằng, các lễ hội ngày nay "bùng nổ", tăng lên rất nhiều. Nhiều địa phương, cộng đồng lạm dụng, phục dựng lễ hội một cách ồ ạt, tổ chức lễ hội nghiêng về giá trị thương mại.

"Trong bối cảnh hiện nay, xã hội đối mặt với nhiều bất trắc, bất ổn khó lường nên nhiều người tìm đến những niềm tin mù quáng và bị lợi dụng, lôi kéo vào những hoạt động "buôn thần, bán thánh", thương mại hóa. 

Bên cạnh đó, chính quyền và người dân một số địa phương xem lễ hội như một công cụ kiếm tiền nên đua nhau "nâng cấp" lễ hội, từ làng xã thành cấp vùng miền, tỉnh thành, càng hoành tráng càng tốt, thu hút càng nhiều du khách càng tốt, với danh nghĩa khai thác nguồn lực của lễ hội. Ở một số lễ hội có hiện tượng "sáng tạo truyền thống" thái quá, biến thành ngụy tạo truyền thống, làm mất đi bản sắc dân tộc", GS.TS. Từ Thị Loan phân tích.

Theo GS.TS. Từ Thị Loan, nguyên nhân của những tiêu cực hiện nay là người dân thiếu kiến thức, hiểu biết đầy đủ về di sản văn hóa, các nhân vật được thờ phụng. Nhiều người cầu Phật phù hộ cho tài lộc, may mắn, nhưng bản chất của giáo lý nhà Phật là giác ngộ, gạt bỏ mọi "tham, sân, si". Nhiều người vay tiền đầu năm, trả lễ cuối năm, thậm chí "hối lộ thần thánh"… nhưng bản chất đó là cầu lợi cho bản thân, không phải ý nghĩa đích thực của việc tham gia lễ hội. Dần dần, người nghiêm túc, đề cao những giá trị thiêng liêng sẽ cảm thấy nhiều lễ hội bị "giải thiêng".

Lan tỏa giá trị tốt đẹp để giảm thiểu tiêu cực tại các Lễ hội

Để các lễ hội luôn văn minh, an toàn và giữ gìn được bản sắc- Ảnh 4.

GS.TS Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam)

Để lan tỏa những điểm tích cực, bảo đảm lễ hội thực sự an toàn, lành mạnh, văn minh, gìn giữ được nét văn hóa truyền thống, GS.TS. Từ Thị Loan cho rằng, trước tiên cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cả "quan trí" lẫn "dân trí". Hiện nay, thậm chí nhiều người còn nhận thức khá mơ hồ về các danh hiệu di sản của UNESCO và Việt Nam, các nguyên tắc bảo vệ và phát huy giá trị di sản, trong đó có lễ hội. Nhiều người tham gia lễ hội mà không hiểu rõ nhân vật được phụng thờ, ý nghĩa của lễ hội, các lễ vật dâng cúng cũng như các nghi lễ cần thiết. Do đó, cần tận dụng các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa trong việc trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức của công chúng về di sản văn hóa dân tộc.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông và dư luận xã hội trong việc phê phán những hiện tượng tiêu cực, biểu dương những khía cạnh tích cực. 

GS.TS. Từ Thị Loan cũng cho rằng cần tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước, công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, song song với đẩy mạnh vai trò "tự quản" của cộng đồng, phát huy hơn nữa ý thức, trách nhiệm của các Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý các di tích để kịp thời xử lý, điều chỉnh những lệch lạc, biến tướng trong lễ hội.

Ngoài các biện pháp giáo dục và quản lý hành chính, cần sử dụng cả các chế tài pháp luật xử lý nghiêm vi phạm, nhất là những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực; lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; quảng bá các hoạt động mê tín dị đoan, "buôn thần, bán thánh" trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.

Và mỗi người khi tham gia các lễ hội cần đề cao ý thức trách nhiệm cá nhân, tuân thủ đầy đủ các quy định về nếp sống văn minh. Những giá trị truyền thống của lễ hội chỉ có thể có được một cách trọn vẹn trên cơ sở ý thức và hành vi của từng cá nhân và của cả cộng đồng xã hội trong tham gia lễ hội...

Còn với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, chúng ta nên sớm có cơ chế khuyến khích nhân dân cung cấp thông tin về những hành vi trục lợi tín ngưỡng tôn giáo. Về phía người dân, cần tin và thực hành theo đúng giáo lý, giáo luật, tránh theo tâm lý đám đông, theo những hướng dẫn hoặc thông tin chưa được kiểm định để sa vào mê tín. Khi tham gia các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo, cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật, bảo đảm an ninh, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc.

Minh Anh