Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ trưởng Cao Đức Phát đọc Tờ trình dự án Luật Thú y - Ảnh: VGP/Nguyên Linh |
Chiều 13/8, thay mặt Chính phủ, Bộ NNPTNT đã có Tờ trình dự án Luật Thú y nhằm pháp điển hóa Pháp lệnh Thú y sau hơn 10 năm thực hiện tại phiên họp thứ 30 của UBTVQH.
Một trong những điểm mới của dự thảo là tập trung vào việc xây dựng, bổ sung những cơ chế cần thiết, phù hợp trong phòng chống dịch bệnh thú y.
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát, “đang có quá nhiều bất cập về điều kiện công bố dịch bệnh khi phải phụ thuộc vào báo cáo tình hình của cấp huyện dẫn đến hiện tượng chậm/không công bố dịch bệnh ở một số địa phương, hay thiếu quy định cụ thể trách nhiệm của huyện, xã khi xảy ra những ổ dịch nhỏ lẻ, trong diện hẹp ở một thôn, xã”.
Tờ trình cũng đánh giá một số vấn đề khác đang là những vướng mắc lớn trong quản lý về thú y hiện nay, như việc quy định cấm đưa vào, mang ra khỏi vùng có dịch động vật mẫn cảm với bệnh dịch đã công bố, gây ảnh hưởng đến sản xuất, lưu thông động vật và sản phẩm động vật của các cơ sở chăn nuôi đã được công nhận là an toàn dịch; thiếu những quy định về quyền lợi của người chăn nuôi trong việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật nên chưa tạo được động lực thúc đẩy hoạt động này; chưa quy định rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc ra quyết định tiêu huỷ động vật chết, động vật mắc bệnh dịch để kịp thời ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Quan điểm và nguyên tắc chỉ đạo xây dựng dự Luật là việc phòng, chống dịch bệnh động vật là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân, trong đó đề cao tính chủ động của chủ vật nuôi và địa phương trong việc phòng, chống dịch bệnh động vật. Việc sử dụng thuốc thú y phải đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường.
Nhằm nâng cao tính chủ động, hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh, dự Luật quy định rõ hơn trách nhiệm và quyền hạn của chủ vật nuôi, chính quyền cấp huyện, xã khi bệnh dịch xảy ra ở diện hẹp, chưa đủ điều kiện để công bố dịch theo quy định.
Để chủ động và đáp ứng phòng, chống dịch được kịp thời, khẩn trương, dự thảo đã quy định và trao thẩm quyền công bố dịch cho Chủ tịch UBND các cấp được công bố dịch và đáp ứng được các điều kiện sau khi có ổ dịch và có kết luận chẩn đoán xác định tác nhân gây bệnh trên địa bàn quản lý.
Sau khi tiếp thu các ý kiến đóng góp của các thành viên UBTVQH, dự Luật sẽ được tiếp tục hoàn thiện để có thể trình Quốc hội theo chương trình nghị sự đã công bố.
Cũng trong ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sau khi tổng hợp ý kiến thảo luận của Quốc hội trong kỳ họp vừa qua.
Các vấn đề đó là mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu, tỷ lệ hưởng lương hưu, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, các vấn đề thanh tra, chi phí quản lý, kết dư quỹ BHXH...
Nguyên Linh