Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Các nghệ sĩ biểu diễn hát then-đàn tính tại lễ khai mạc. Ảnh: Báo Hà Giang |
Hoạt động văn hóa-nghệ thuật đặc sắc này quy tụ các nghệ nhân, diễn viên các dân tộc Tày-Nùng-Thái của 14 tỉnh gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyễn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Đắk Lắk; đông đảo nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang và du khách tới dự.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, then là một loại hình nghệ thuật tổng hợp chứa nhiều thành tố ngữ văn, âm nhạc, mỹ thuật, múa, diễn xướng dân gian và có giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội. Đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái thường sử dụng hát then vào những dịp trọng đại như hội làng, cầu đảo của từng gia đình, dòng họ vào dịp năm mới...
Hát then xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI vào thời nhà Mạc chạy lên Cao Bằng và xây dựng thành quách. Cũng từ đó, then đã trở thành sinh hoạt văn hóa tâm linh của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở vùng núi phía bắc Việt Nam.
Theo truyền thuyết, trong số quan lại của nhà Mạc, nhiều người rất yêu âm nhạc và thích ca hát nên họ đã chế tạo ra đàn tính và lập tốp hát để phục vụ cung đình. Về sau dân chúng thấy hay nên bắt chước và được lưu truyền trong dân gian. Theo thời gian, hát then-đàn tính lan rộng ra các tỉnh miền núi phía bắc và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái.
Hiện nay, để bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của hát then-đàn tính, nhiều địa phương đã tích cực vào cuộc.
Tại Lạng Sơn, hát then-đàn tính được đưa vào chương trình ngoại khóa ở các trường phổ thông với các hoạt động như nghe hát then vào đầu giờ học và giờ giải lao một số buổi sáng trong tuần; học hát then trong dịp sinh hoạt tập thể…
Tại Lào Cai, làn điệu then của người Tày ở đây mang màu sắc tín ngưỡng, gửi gắm những mong muốn tốt lành của con người đến với thiên giới, cầu xin may mắn bình an ấm no và hạnh phúc cho cộng đồng và gia đình. Do đó, hát then của người Tày ở Lào Cai vẫn được duy trì và tồn tại với các nghi lễ, như then giải hạn, then gọi vía, then cầu an...
Hà Giang là một trong những cái nôi của kho tàng văn hóa tín ngưỡng then. Hát then gắn bó sâu sắc với đời sống của đồng bào dân tộc Tày. Điển hình là “Hội lẩu Then bjoóc mạ” ở xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) có quy mô lớn. Hội lẩu Then bjoóc mạ tập trung đầy đủ các yếu tố của nghệ thuật then với ý nghĩa cầu vua cha ban phước lành, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Cũng chính từ đó, “Lẩu Then bjoóc mạ” đã thấm sâu vào tâm linh của người Tày, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, hình thành nên một nét đẹp trong văn hóa cộng đồng ở Hà Giang.
Một điều rất thú vị là ngay ở đô thị lớn như TPHCM, hát then-đàn tính vẫn có “sân chơi” nhờ sự nỗ lực của các “nghệ sĩ” có niềm đam mê đặc biệt với làn điệu này. Từ niềm say mê, những người yêu hát then-đàn tính đã lập các câu lạc bộ hát then-đàn tính để vừa thỏa mãn tình yêu câu hát then, vừa góp phần bảo tồn di sản đặc sắc này…
Ảnh: Báo Hà Giang |
Tại lễ khai mạc Liên hoan tối 13/5, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên nhấn mạnh Liên hoan hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày-Nùng-Thái toàn quốc lần thứ VI là dịp giới thiệu, quảng bá những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc đến bạn bè trong nước và quốc tế. Đây cũng là hoạt động tôn vinh một loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc của các dân tộc Tày-Nùng-Thái; góp phần nâng cao ý thức gìn giữ, phát huy, phát triển và không ngừng sáng tạo những giá trị văn hóa mới trong thời kỳ phát triển bền vững đất nước, mở rộng hội nhập quốc tế, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt, Liên hoan tạo nên ấn tượng trong lòng du khách về các giá trị di sản Việt Nam nói chung, về loại hình nghệ thuật hát then, đàn tính của các địa phương nói riêng.
Thanh Xuân