• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Để du khách tìm về trải nghiệm những vùng quê đáng sống

(Chinhphu.vn) - Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi xuất phát của hầu hết tất cả các triều đại lịch sử của nước Việt, với truyền thống văn hiến nghìn đời cũng như những bãi biển trải dài, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Do vậy, phải đẩy mạnh các tuyến du lịch nông thôn mới để du khách đến thăm, trải nghiệm nông thôn bình yên, đáng sống.

17/08/2019 15:44
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung

Sáng 17/8 tại tỉnh Nghệ An, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình xây dựng nông thôn mới vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ giai đoạn 2010 -2020.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia chủ trì Hội nghị.

Cùng dự còn có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cùng lãnh đạo các bộ, ngành và Tỉnh uỷ, UBND của 17 tỉnh, thành phố.

Nơi khởi nguồn của nhiều sáng kiến, cách làm nông thôn mới hay

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ không chỉ đạt và vượt mục tiêu đề ra mà các nội dung xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu, hướng tới sự bền vững.

Đến hết tháng 7/2019, hai vùng đã có 2.402/3.474 xã (69,1%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 48% so với cuối năm 2015, là mức tăng trưởng cao nhất trong cả nước, cao hơn nhiều so với mức đạt chuẩn của cả nước (50,26%). Từ đầu năm 2018, cả vùng không còn xã dưới 5 tiêu chí. 

Bình quân số tiêu chí/xã của cả vùng đạt 17,4 tiêu chí (tăng 11,5 tiêu chí so với năm 2011 và tăng 2,4 tiêu chí so với năm 2015), cao hơn mức trung bình cả nước là 15,26 tiêu chí/xã. Gần 1.100 thôn, bản nông thôn mới (chiếm 62% số thôn, bản nông thôn mới của cả nước), trong đó có gần 300 thôn, bản kiểu mẫu. Đặc biệt vùng Đồng bằng sông Hồng có mức độ đồng đều trong xây dựng nông thôn mới khi 90% số xã đạt từ 16- 19 tiêu chí.

Cả vùng đã có 41 đơn vị cấp huyện thuộc 13 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, chiếm 48,8% số đơn vị cấp huyện nông thôn mới của các nước. 

Thu nhập ở khu vực nông thôn Đồng bằng sông Hồng là 43,3 triệu đồng/người/năm, tăng 2,5 lần; tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất nước với 1,7% và thu nhập người dân nông thôn ở Bắc Trung Bộ tăng 2,4 lần so với trước, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 20% năm 2010 xuống còn 6,03% vào cuối 2018.

Có 12/17 tỉnh, thành phố ban hành tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 9/17 tỉnh, thành phố ban hành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu. Nhiều tỉnh, thành phố như Nam Định, Hà Nam, Nghệ An và các tỉnh trong vùng đã ban hành tiêu chí khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Từ thực tiễn triển khai ở địa phương về nông thôn mới nâng cao, nông thôn  mới kiểu mẫu, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 691/QĐ-TTg vào năm 2018 về tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018- 2020. Tới nay cả nước có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là xã Việt Dân (Đông Triều, Quảng Ninh).

Đặc biệt, Thanh Hóa, Nghệ An là những địa phương đầu tiên triển khai xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản và mô hình này đang được nhiều tỉnh miền núi tập trung triển khai nhằm thay đổi nhanh đời sống vật chất, tinh thần của người dân và huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư.

Nhiều sáng kiến trong sinh kế đã được thực hiện như chính sách bảo tồn cho người dân vùng đệm ở Tiên Yên (Quảng Ninh), việc chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Quảng Trị, chính sách hỗ trợ nuôi tôm ở Phá Tam Giang, du lịch nông thôn, xử lý nước thải- chất thải, mã vùng nông nghiệp,...

Chính vì vậy, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ là vùng hội tụ những điểm sáng nhất về xây dựng nông thôn mới của cả nước trong những năm qua, là nơi khởi nguồn cho các sáng kiến, kiến nghị để đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách mới.

Giữ được môi trường và cảnh quan đặc trưng vùng nông thôn

Là một tỉnh có công nghiệp khai khoáng phát triển, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu cho biết công nhân ngành than vẫn còn gặp khó khăn khi ngành than gặp biến động thị trường nhưng đời sống sản xuất của nông dân thì ổn định và phát triển nhờ nhiều mô hình hay.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Ngô Gia Tự nêu nhiều sáng kiến trong huy động và tổ chức các hội đoàn thể và nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan khu vực nông thôn.

Tại địa phương còn nhiều khó khăn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng kiến nghị Chính phủ có cơ chế chính sách đặc thù về đầu tư cho các xã biên giới, vùng bãi ngang ven biển; ưu tiên kinh phí để người dân làm du lịch ở miền núi, vùng biển đảo để đang dạng sinh kế cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An nêu bài học 5 nguyên tắc cho xây dựng nông thôn mới là gắn liền với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ưu tiên cho đầu tư phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập người dân; tập trung nâng cao dân trí; xây dựng môi trường sạch, đẹp, xanh tươi, giữ được bản sắc làng quê; xây dựng nông thôn mới là một quá trình liên tục và sớm thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, thành thị.

Phó Thủ tướng thăm một gian hàng thủ công mỹ nghệ  tại hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung

Nơi hội tụ những sáng tạo đột phá nhất

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao những kết quả mà vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ đã đạt được trong xây dựng nông thôn mới. Theo ông, đây là nơi hội tụ những điểm sáng nhất, những sáng tạo đột phá nhất, những cách làm hiệu quả nhất về xây dựng nông thôn mới của cả nước trong những năm qua.  

Khu vực này cũng là nơi khởi nguồn cho việc đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách mới đã và đang triển khai rất hiệu quả, như: Chương trình mỗi xã một sản phẩm xuất phát từ Quảng Ninh; xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu xuất phát từ Hà Tĩnh; xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản ở những địa bàn khó khăn xuất phát từ Nghệ An, Thanh Hóa; công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn xuất phát từ Nam Định…

Theo Phó Thủ tướng, hiện khu vực này đang là nơi tìm tòi những vấn đề mới, làm tiền đề để nghiên cứu nội dung xây dựng nông thôn mới cho giai đoạn sau năm 2020 như: Du lịch nông thôn; phân loại chất thải rắn sinh hoạt và xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư; xây dựng mã vùng sản xuất nông nghiệp; phát triển sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu…

Tránh tư tưởng thỏa mãn, tự bằng lòng

Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược; nông thôn mới là căn bản; tái cơ cấu nông nghiệp là then chốt; người nông dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới, trong những tháng còn lại của năm 2019 và năm 2020, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ cần tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những những hạn chế, khó khăn, chỉ đạo triển khai thực hiện để đạt những mục tiêu cao hơn.  

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân trong xây dựng nông thôn mới, với tinh thần: Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc, tránh tư tưởng thỏa mãn, tự bằng lòng, nhất là ở những xã, những huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới có thể dẫn đến sao nhãng công việc.

Theo đó, mỗi địa phương phải xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, trên cơ sở đó, phát huy dân chủ và vai trò chủ thể của các cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ cần phải tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu của cả nước, không ngừng đổi mới, đưa ra nhiều sáng kiến, cách làm hay để phổ biến, nhân rộng.

Đồng thời, mỗi địa phương phải thường xuyên rà soát từng mục tiêu, tiêu chí để có kế hoạch, lộ trình nâng chất các tiêu chí sau đạt chuẩn theo hướng đảm bảo chất lượng, bền vững, nhất là các tiêu chí liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn, như: Nâng cao thu nhập; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp; xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống ở khu dân cư…

Tiếp tục nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn

Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương cần đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị các nông sản chủ lực ở địa phương, trên cơ sở áp dụng công nghệ thông minh, cơ giới hóa vào sản xuất; thúc đẩy liên doanh, liên kết hình thành chuỗi giá trị, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn;…

Đồng thời tiếp tục nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn, trong đó, lấy sản xuất nông nghiệp hữu cơ và an toàn sinh học, thân thiện với môi trường làm nền tảng gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch nông thôn; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP gắn với lợi thế của từng địa phương, nhằm góp phần gia tăng nhanh thu nhập cho người dân nông thôn.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ cần tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế  nông thôn, góp phần đưa các tỉnh trong vùng thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình để đúc rút kinh nghiệm, phát huy hiệu quả nhân rộng toàn quốc.

Mô hình du lịch cộng đồng, trải nghiệm làm nông dân ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: VGP/Thành Chung

Đẩy mạnh các tour, tuyến du lịch nông thôn mới

Theo Phó Thủ tướng, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ là vùng đất địa linh nhân kiệt với các di tích lịch sử và di tích cách mạng dày đặc, nơi xuất phát của hầu hết tất cả các triều đại lịch sử của nước Việt, với truyền thống văn hiến nghìn đời cũng như những bãi biển trải dài và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ.

Do vậy, phải đẩy mạnh các tour, tuyến du lịch nông thôn mới gắn với các địa danh lịch sử, cách mạng cũng như các điểm nhấn về du lịch biển để tạo giá trị lan tỏa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch của từng địa phương.

Từ đó, góp phần tăng nhanh số lượng du khách trong nước cũng như quốc tế đến thăm các vùng nông thôn, để thực sự được trải nghiệm nông thôn bình yên, đáng sống của Việt Nam.

Đồng tình với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ giai đoạn sau năm 2020, trên cơ sở các ý kiến trao đổi, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NNPTNT tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu, làm rõ nội dung để đưa vào định hướng Chương trình xây dựng nông thôn mới cả nước giai đoạn 2021 - 2030; tập trung nghiên cứu, đánh giá Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới cấp xã và cấp huyện, tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu hiện tại, từ đó tính toán điều chỉnh, bổ sung để đảm bảo mức độ phù hợp cho giai đoạn 2021 - 2025. Phó Thủ tướng cũng lưu ý các tỉnh, thành phố cần khẩn trương chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn cho giai đoạn 2021 - 2025, trong đó xác định cụ thể nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. 

Thành Chung