Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Sáng 2/4, Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ II với chủ đề "Để kinh tế tư nhân thực sự là động quan trọng của nền kinh tế" với sự tham dự của lãnh đạo, đại diện một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các chuyên gia kinh tế và hơn 200 doanh nghiệp tư nhân lớn của đất nước.
Diễn đàn Kinh tế tư nhân đang hướng tới trở thành sự kiện thường kỳ để cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp và các bộ, ngành, cơ quan, chuyên gia kinh tế trao đổi, chia sẻ suy nghĩ, đánh giá kinh nghiệm thực tiễn về phát triển kinh tế.
Từ đó, đóng góp ý kiến trách nhiệm với Đảng, Nhà nước để ngày càng hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung cũng như lan tỏa cảm hứng, tinh thần trách nhiệm, khát vọng đổi mới, kiến tạo, kết nối đội ngũ doanh nhân tư nhân Việt Nam đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam nêu bật những kết quả, sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân đối với đất nước cũng như những tồn tại, hạn chế để khu vực kinh tế này tiếp tục phát triển bền vững, bứt phá và vươn lên; khẳng định Diễn đàn lần này là dịp hội tụ tinh hoa trí tuệ, tâm huyết của các chuyên gia uy tín hàng đầu đất nước và của những doanh nhân để cùng nhau đánh giá 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 10/NQ-TW, rút ra những bài học cần thiết cho chặng đường phát triển mới. Từ đó sẽ có các gợi ý, đề xuất, hiến kế cho Đảng và Nhà nước trong việc tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân nói riêng, kinh tế đất nước nói chung.
Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng là dịp để các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế tập trung trao đổi, thảo luận các giải pháp căn cơ để doanh nghiệp tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, vượt khó vươn lên; tăng cường khả năng chống chịu trước những tác động tiêu cực bởi dịch bệnh; chủ động thích ứng trước các diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình kinh tế khu vực và thế giới.
Khu vực kinh tế tư nhân từng bước khẳng định được vị thế, vai trò
Trong khuôn khổ Diễn đàn, các chuyên gia, doanh nghiệp đã tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, sâu sắc về các kết quả, hạn chế tồn tại của phát triển khu vực kinh tế tư nhân sau hơn 5 năm triển khai Nghị quyết 10/NQ – TW; nhận diện cơ hội, những rủi ro và thách thức (trong nước và từ bên ngoài) mà nền kinh tế Việt Nam nói chung và khu vực kinh tế tư nhân nói riêng phải đối mặt trong năm 2023 cũng như trong trung và dài hạn; đưa ra đề xuất các định hướng, giải pháp thực chất, khuyến nghị các cơ chế, chính sách hữu hiệu giúp khu vực kinh tế tư nhân nắm bắt và tận dụng, cụ thể hóa cơ hội, khắc phục các khó khăn, thách thức, hướng tới thực hiện thắng lợi sứ mệnh là động lực quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;…
Nhiều ý kiến khẳng định đến nay, khu vực kinh tế tư nhân đã có nhiều thương hiệu mạnh, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, lan tỏa trong hầu hết các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, như công nghiêp chế biến chế tạo, xây dựng, sản xuất và lắp ráp ô tô, vận tải, hàng không, tài chính - ngân hàng, bất động sản, công nghệ thông tin... và đã bước đầu đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế…
"Khu vực kinh tế tư nhân đã không ngừng lớn mạnh và từng bước khẳng định được vị thế, vai trò và kỳ vọng của Đảng và Nhà nước để thực sự đã và đang là động lực quan trọng của nền kinh tế, huy động và phân bổ nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu NSNN, tạo việc làm, cải thiện đời sống người dân, bảo đảm an sinh xã hội,…", chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực khẳng định.
Bên cạnh nêu bật những kết quả, đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân, các đại biểu cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của khu vực kinh tế này, trong đó nổi lên là: mặc dù khu vực kinh tế tư nhân đóng góp tỷ trọng lớn vào GDP (khoảng 46,4%), song tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây và chưa đạt mục tiêu 50% đến năm 2020 theo Nghị quyết 10-NQ/TW. Kinh tế tư nhân chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, đa số vẫn là kinh tế hộ kinh doanh (chiếm 94%) với trình độ công nghệ, quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh còn thấp; cơ cấu ngành nghề còn bất hợp lý, thiếu liên kết với nhau và với các thành phần kinh tế khác.
Năng lực hội nhập và cạnh tranh kinh tế quốc tế còn hạn chế, mức độ tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu ở mức thấp. Khu vực kinh tế tư nhân, nhất là doanh nghiệp tư nhân luôn thiếu vốn.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư – kinh doanh
Để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển, giữ vững vai trò là một động lực quan trọng trong nền kinh tế, đạt các mục tiêu đề ra, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị các cơ quan chức năng của Nhà nước tiếp tục chú trọng kiến tạo để các thị trường (đất đai, lao động, tài chính, khoa học công nghệ, hàng hóa – dịch vụ) phát triển hài hòa, thông suốt, lành mạnh và bền vững. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện thực chất, mạnh mẽ môi trường đầu tư – kinh doanh, tiến tới "minh bạch, công bằng, ổn định, nhất quán, dự báo được, kịp thời và thực thi tốt" đối với các cơ chế, chính sách. Có cơ chế, chính sách và cách làm phù hợp để khuyến khích hộ kinh doanh nâng cấp thành doanh nghiệp.
Xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chí về đạo đức kinh doanh, về doanh nhân tiêu biểu, phát triển bền vững nhằm tìm kiếm và bình chọn được những cá nhân, doanh nghiệp điển hình có thành tựu nổi trội trong sự nghiệp tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội, đồng thời cũng là những tấm gương sáng về tuân thủ pháp luật, yêu nước, có trách nhiệm với xã hội, gia đình, cộng đồng.... Từ đó, có thể lan tỏa và nhân rộng những giá trị quý báu trong đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp, giúp phát triển đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp ngày càng vững mạnh cả về số lượng và chất lượng...
Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga khẳng định một doanh nghiệp muốn thành công không chỉ có khát vọng, đam mê mà bản thân doanh nghiệp cần phải có thực lực và sự chuẩn bị thật kĩ lưỡng. Đặc biệt phải luôn đặt con người ở vị trí trung tâm, là tài sản quan trọng đối với sự thành công và phát triển của doanh nghiệp. Luôn nỗ lực để cải thiện môi trường làm việc, chia sẻ thông tin, ích lợi, trách nhiệm với người lao động, luôn đảm bảo quyền lợi của người lao động ở mức tốt nhất.
Bà Nga cũng cho rằng, bản thân đội ngũ doanh nhân và mỗi doanh nghiệp cũng phải nhận thức đúng, đầy đủ, sâu sắc về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nhân, doanh nghiệp mình trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước; bên cạnh đó cũng cần cần đặc biệt quan tâm đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư thảo đáng vào ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản trị kinh doanh tại doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng để tiếp tục giữ vững và phát huy cao độ vai trò của kinh tế tư nhân ở nước ta cần tiếp tục triển khai thực hiện nhất quán quan điểm, chủ trương phát huy cao độ vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, biến những quan điểm, chủ trương đó thành những cơ chế chính sách cụ thể, đồng bộ và nhất quán.
Kinh tế tư nhân và kinh tế Nhà nước không phải là 2 mặt đối lập, không phải là đối thủ cạnh tranh "một mất một còn" mà là các bộ phận bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. Kinh tế tư nhân phát triển cũng có nghĩa là kinh tế Việt Nam phát triển. Các cơ quan chức năng cần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa kinh tế Nhà nước với kinh tế tư nhân.
Vấn đề về vốn đối với doanh nghiệp tư nhân cũng là một nội dung lớn thu hút sự quan tâm của nhiều ý kiến tại thảo luận.
Theo ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa, mặc dù về vấn đề tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp tư nhân trong thời gian qua được quy định khá cụ thể trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhưng trên thực tế, việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Thủ tục giấy tờ hồ sơ vay vốn rườm rà, nhiều ràng buộc, không nhất quán; sự phối hợp giữa các ngân hàng thương mại và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thiếu thống nhất, dẫn đến sự cứng nhắc trong thủ tục, hồ sơ, quá trình thẩm định vay vốn kéo dài, nhiều tiêu chí khắt khe quá mức, chưa tháo gỡ được những khó khăn cho doanh nghiệp trong điều kiện thực tế.
Từ đó, ông Cao Tiến Doan và một số doanh nghiệp đề nghị ngành Ngân hàng kịp thời có hướng giải quyết những vấn đề tồn đọng nêu trên, giúp doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt và tiếp cận được các nguồn vốn. Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải tiến quy trình, đơn giản hóa thủ tục cho vay; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành quản lý, phân tích và phòng ngừa rủi ro.
Các ngân hàng thương mại cổ phần cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân viên phụ trách tín dụng, cho vay để tư vấn, hỗ trợ kịp thời, an toàn, hiệu quả cho doanh nghiệp khi có nhu cầu vay. Tăng cường thanh kiểm tra, rà soát các quy trình, quy định nội bộ, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn để có những giải pháp phòng ngừa, xử lý kịp thời, giúp doanh nghiệp hạn chế những thiệt hại có thể xảy ra. Đồng thời có cơ chế giám sát, kiểm tra sát sao việc thực hiện và có chế tài xử lý nghiêm để tránh lợi dụng, thực hiện sai chính sách vay vốn để trục lợi./.
Nguyễn Hoàng