Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cầu hư, dân địa phương phải lội suối
Theo phản ánh của ông Trần Đăng Hùng (danghung1978@....), cây cầu treo Hón Dồ bắc qua một con suối rộng, nối liền 2 thôn Cầu Mây và Gia Dụ III của xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa là công trình do nhân dân xã Cẩm Sơn và tổ chức Tầm nhìn Thế giới đóng góp xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân 2 thôn và người dân xã Cẩm Yên, huyện Cẩm Thủy.
Bỏ qua cây cầu bị hư hỏng nặng, người dân xã Cẩm Sơn đi qua suối vào mùa cạn |
Hiện nay, người dân nơi đây không dám sử dụng cây cầu này. Mùa cạn, người dân lội qua suối, mùa mưa, người dân phải đi đường vòng xa hơn hàng chục km. Việc đi lại như vậy khiến cuộc sống của người dân rất khó khăn, đặc biệt là những em học sinh hàng ngày phải tự đi qua suối đến trường. Ông Hùng đề nghị cơ quan chức năng sớm quan tâm sửa chữa cây cầu để đảm bảo cuộc sống của người dân nơi đây.
"Người dân quê tôi hàng ngày vẫn canh cánh nỗi lo thiếu điện sinh hoạt" là nội dung phản ánh của ông Võ Văn Tài (tai@...), đại diện hơn 100 hộ dân cư trú tại tổ 11, khu phố 1B, phường An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Ông Tài cho biết, điện thế trong khu vực chỉ khoảng 120V-170V, rất yếu và thường xuyên bị mất do quá tải nên nhiều lúc không đáp ứng được những nhu cầu sinh hoạt hàng ngày như nấu cơm, bơm nước. Do đó, ông Tài mong muốn chính quyền xem xét, có biện pháp giải quyết để cuộc sống của người dân trong khu vực sớm được cải thiện.
Sinh hoạt bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác than
Còn người dân tại xóm Cao Sơn 3, xã Sơn Cẩm, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên thì rất bức xúc với những thiệt hại do hoạt động khai thác than của Công ty cổ phần Xây dựng và Khai thác than Thái Nguyên.
Tường và sân nhà dân trong khu vực bị nứt - Ảnh do bạn đọc cung cấp |
Dù Công ty cổ phần Xây dựng và Khai thác than Thái Nguyên đã có biện pháp hỗ trợ cho các hộ dân nhưng cứ sau mỗi mùa mưa, hiện tượng nứt, đổ càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Hiện nay, móng nhà nứt, tường nhà đổ khiến một số hộ dân không thể tiếp tục sinh sống trong khu vực này. Những người dân đang tiếp tục sinh sống thì luôn lo sợ nhà sập. Bởi thế, nguyện vọng của các hộ dân là cơ quan chức năng nhanh chóng có biện pháp khắc phục để bảo vệ quyền lợi và an toàn cho các hộ dân trong khu vực.
Chưa khôi phục đoạn kênh dẫn nước
Theo phản ánh của ông Lưu Hữu Chí (luuhuuchi@...), Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh có nêu việc con kênh Lung Đồn thuộc xã Phú Cường, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang được coi là kênh dẫn nước chính phục vụ sản xuất từ năm 1985. Tuy nhiên, năm 2005, ông Phan Văn Niềm tự ý lấp một đoạn kênh với lý do các hộ cuối kênh sản xuất lúa gây thiệt hại cho đất của ông, khiến các hộ cuối kênh muốn có nước bơm tưới, tiêu thoát sản xuất phải thông qua ruộng của ông Niềm.
Năm 2009, UBND huyện Cai Lậy đã có quyết định buộc ông Niềm phải khôi phục lại đoạn kênh nhưng đến nay, ông Niềm vẫn không chấp hành quyết định. Qua Cổng TTĐT Chính phủ, ông Chí đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng trên.
Cổng TTĐT Chính phủ đã chuyển các kiến nghị, phản ánh trên đến cơ quan chức năng và sẽ thông tin chi tiết tới bạn đọc khi nhận được kết quả giải quyết.
Phòng Thông tin phản ánh của tổ chức, công dân