Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo bạn Cảnh, trong hệ thống pháp luật Việt Nam, chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể giấy tờ tùy thân gồm những giấy tờ nào.
Hiện chỉ có Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 3/2/1999 của Chính phủ về chứng minh nhân dân (CMND) khẳng định giấy CMND là một loại giấy tờ tuỳ thân. Ngoài ra, theo khoản 3, điều 4 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 của Chính phủ quy định về xuất nhập cảnh thì Hộ chiếu quốc gia được sử dụng thay thế CMND.
Ngoài hai loại giấy tờ trên, không còn loại giấy tờ nào khác được quy định trực tiếp là giấy tờ tuỳ thân.
Bên cạnh đó, Nghị định 130/2008/NĐ-CP lại có quy định Giấy chứng minh sĩ quan được cấp để thực hiện các giao dịch dân sự.
Như vậy, có thể hiểu Giấy tờ tùy thân chỉ gồm: Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu quốc gia, Giấy chứng minh sĩ quan.
Tuy vậy, hiện nay một số UBND, tổ chức hành nghề công chứng vẫn chấp nhận Giấy xác nhận mất CMND, Giấy hẹn cấp CMND của cơ quan công an hoặc thậm chí dùng hộ khẩu để thay thế trong trường hợp không có giấy tờ tùy thân. Việc đó dẫn đến việc tổ chức hành nghề công chứng nào không chấp nhận các giấy tờ thay thế nói trên thì bị cho là sách nhiễu, phức tạp.
Bạn Cảnh cũng đề nghị cho phép chấp nhận bản sao từ sổ gốc đối với một số giấy tờ như khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn vì thực tế có rất nhiều trường hợp đã mất bản chính, chỉ có thể xin bản trích sao từ sổ gốc. Điều này cũng phù hợp với quy định tại Điều 3 của Nghị định 79/2007/NĐ-CP.
Với Khoản 1 Điều 65a, bạn Cảnh đề xuất xem xét cụm từ “chưa đảm đương được” vì mang tính chung chung dễ xảy ra tình trạng xin-cho trong quản lý.
Hơn nữa, việc giao thẩm quyền từ UBND sang tổ chức hành nghề công chứng tại điểm d Khoản 5 Điều 11 là “theo lộ trình phù hợp”, còn giao từ tổ chức hành nghề công chứng sang UBND lại “chưa đảm đương được”. Nên chăng cũng phải “theo lộ trình phù hợp” hoặc có tiêu chí cụ thể về khoảng cách địa lý, về năng lực giải quyết hồ sơ, bạn Cảnh góp ý.
Ngoài ra, bạn Hoàng Hữu Cảnh đề xuất sửa đổi về cấu trúc ngữ pháp Khoản 1 Điều 9 của Luật Công chứng hiện hành theo hướng:
“Những trường hợp phải có người làm chứng:
Trong trường hợp pháp luật quy định việc công chứng phải có người làm chứng;
Người yêu cầu công chứng không đọc được;
Người yêu cầu công chứng không nghe được;
Người yêu cầu công chứng không ký và không điểm chỉ được.
Người làm chứng do người yêu cầu công chứng mời, nếu họ không mời được thì công chứng viên chỉ định.”
Bạn đọc tiếp tục góp ý dự thảo tại đây.