Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Bộ Ngoại giao cho biết, Nghị định 12/2012/NĐ-CP về đăng ký và quản lý các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam sau khi ban hành đã tạo hành lang pháp lý về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) tại Việt Nam, cùng với Thông tư 05/2012/TT-BNG của Bộ Ngoại giao hướng dẫn việc thi hành Nghị định 12 cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, đồng thời thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước là khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức PCPNN hoạt động tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, hoạt động của các tổ chức PCPNN tại Việt Nam ngày càng phong phú và đa dạng về số lượng tổ chức, tôn chỉ, mục đích quy mô giải ngân, phạm vi, phương thức và lĩnh vực hoạt động.
Cụ thể, hiện nay Việt Nam có quan hệ với trên 1000 tổ chức, trong đó 563 tổ chức PCPNN đăng ký hoạt động thường xuyên với tổng giá trị viện trợ ở mức trên dưới 300 triệu USD mỗi năm. Các hoạt động viện trợ giữa đối tác Việt Nam với tổ chức PCPNN được triển khai trên 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và ở hầu hết các bộ, ban, ngành trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Hình thức viện trợ PCPNN chủ yếu thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển và viện trợ nhân đạo; một số khác viện trợ phi dự án. Các lĩnh vực chủ yếu tập trung vào: Y tế (chiếm 22,5%), giáo dục (chiếm 12,3%), phát triển kinh tế (chiếm 21,8%), hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội (chiếm 22,8%)…
Tuy nhiên, hoạt động của các tổ chức PCPNN tại Việt Nam trong thời gian qua bộc lộ một số tồn tại, phức tạp đối với công tác quản lý; các chủ trương, chỉ đạo và quy định pháp luật về quản lý nhà nước đã có những thay đổi dẫn đến một số quy định của Nghị định 12 không còn phù hợp; đồng thời bản thân Nghị định 12 sau 05 năm thực hiện cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định về tính hợp lý, hiệu quả đòi hòi phải điều chỉnh, thay đổi để hoàn thiện hơn, phù hợp hơn với nhu cầu thực tế và các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước.
Hiện tại có một số tồn tại, bất cập, cụ thể như sau: Thủ tục và quy trình cấp Giấy đăng ký các loại cho tổ chức PCPNN còn có những quy định chưa phù hợp thực tế, quá trình triển khai tốn nhiều thời gian hơn quy định, chưa chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý công việc này. Nghị định 12 và Thông tư 05 có một số quy định chưa phù hợp dẫn đến trùng lắp, chồng chéo chức năng nhiệm vụ, tăng khâu trung gian và gây mất thời gian cho quy trình tiếp nhận, thẩm định và xét duyệt hồ sơ xin cấp Giấy đăng ký. Thời gian cấp giấy đăng ký chậm, không bảo đảm theo quy định do chậm thời gian sàng lọc, xử lý ở bộ ngành, địa phương liên quan, gây lãng phí thời gian xử lý ở bộ ngành, địa phương và gây phiền hà cho các tổ chức.
Các biện pháp quản lý tổ chức PCPNN quy định tại Nghị định 12 chưa đầy đủ, chưa thực sự hiệu quả. Công tác quản lý hoạt động các tổ chức PCPNN còn có phần nặng về hành chính, chủ yếu thông qua công tác đăng ký hoạt động, quản lý qua các văn bản, báo cáo, chưa chú trọng hậu kiểm. Mức độ, tần suất, hệ thống biểu mẫu chưa phù hợp. Thiếu cơ chế giám sát quá trình triển khai dự án của các tổ chức PCPNN sau khi được cấp phép; công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát còn hình thức, chưa được thực hiện thường xuyên, chưa đầy đủ nội dung. Chưa có các chế tài đủ răn đe và xử lý vi phạm để các bên liên quan nghiêm túc thực hiện quy trình, thủ tục đăng ký hoạt động và triển khai các chương trình, dự án.
Bên cạnh đó, chưa có cơ chế, công cụ hữu hiệu để quản lý, giám sát tài chính qua ngân hàng đối với các tổ chức PCPNN và đối tác Việt Nam nhằm kiểm soát nguồn tiền, việc triển khai nguồn tiền, ngăn chặn các khoản thu, giải ngân ngoài phạm vi dự án. Nghị định 12 chưa quy định trách nhiệm báo cáo tài chính của các tổ chức PCPNN, chưa quy định trách nhiệm các tổ chức PCPNN cần phải thực hiện các giao dịch tài chính thông qua tài khoản ngân hàng được mở tại Ngân hàng Việt Nam nên chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện nhiệm vụ này.
Theo đánh giá gần đây của một số cơ quan và các tổ chức, nhìn chung, xu hướng viện trợ đang có xu hướng giảm đối với Việt Nam. Khách quan là do tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tình hình chính trị-an ninh thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khủng hoảng nợ công tại một số nước chưa được giải quyết triệt để, tác động của cuộc khủng hoảng di cư, chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại các nước thuộc liên minh Châu Âu... là những nhân tố tác động tới nguồn tài trợ của các nước từ Mỹ, Châu Âu cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Nguyên nhân chủ quan một phần là do hệ thống văn bản pháp quy của ta về PCPNN chậm đổi mới, nhiều văn bản đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, chưa tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng để tạo điều kiện cho các tổ chức hoạt động cũng như tạo điều kiện các cơ quan quản lý hiệu quả hoạt động của các tổ chức PCPNN, đòi hỏi cần đẩy nhanh tiến trình xây dựng các văn bản pháp luật trong lĩnh vực này.
Trên cơ sở đó, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 12 là cần thiết và phù hợp với bối cảnh thực tiễn hiện nay nhằm thể chế hóa các Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu quản lý các tổ chức PCPNN tại Việt Nam trong tình hình mới.
Mời bạn đọc xem toàn văn hồ sơ đề nghị và góp ý tại đây.
Khánh Linh