Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Bộ Công Thương cho biết, Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ năm 2016 đã họp và thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ năm 2016 cho 103 cá nhân.
Cụ thể, danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ được đề xuất phong tặng cho 16 cá nhân các nghề thêu, gốm, thêu phục chế, hoa lụa, đậu bạc, chạm đồng, hoa khô, điêu khắc gỗ, chạm bạc, đồng, đúc đồng, điêu khắc đá thuộc các địa phương: Hà Nội, Thái Bình, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.
87 cá nhân được đề xuất danh hiện “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ thuộc các nghề mộc mỹ nghệ, gốm, tranh dân gian Đông Hồ, sơn mài, sơn khắc, điêu khắc, điêu khắc tạc tượng, sơn son thếp vàng, bạc truyền thống, thêu ren, mây tre đan, mây tre, dệt lụa, gốm sứ… các địa phương Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Lâm Đồng, Bình Dương, An Giang, Long An, Trà Vinh, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh.
Danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” được xét tặng cho cá nhân đạt đủ các tiêu chuẩn sau: 1- Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương. 2- Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề, được đồng nghiệp và quần chúng mến mộ, kính trọng. Có tri thức, kỹ năng đặc biệt xuất sắc, có công lớn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị nghề thủ công mỹ nghệ của địa phương, cụ thể: Nắm giữ kỹ năng, bí quyết; truyền nghề, dạy nghề cho từ 100 cá nhân trở lên, trừ trường hợp nghề đặc thù; trực tiếp thiết kế, chế tác được ít nhất 10 sản phẩm, tác phẩm có giá trị kinh tế, kỹ thuật và mỹ thuật cao. 3- Đã có tác phẩm, sản phẩm đạt một trong các tiêu chí sau: Được giải thưởng hoặc được tổ chức nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội-nghề nghiệp cấp chứng nhận đạt thành tích tại các cuộc thi, hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế được Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức; được chọn trưng bày trong các bảo tàng, công trình văn hóa, di tích lịch sử hoặc các sự kiện lớn của đất nước; được chọn làm mẫu phục vụ công tác giảng dạy tại các trường mỹ thuật hoặc dạy nghề; được sử dụng vào công trình phục chế di tích lịch sử, văn hóa được chính quyền địa phương nơi có di tích lịch sử, văn hóa xác nhận. 4- Có thời gian hoạt động trong nghề từ 15 năm trở lên.
Danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” được xét tặng cho cá nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” và đạt thêm các tiêu chuẩn sau: Có tri thức, kỹ năng đặc biệt xuất sắc, có công lớn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị nghề thủ công mỹ nghệ của cả nước, cụ thể: Nắm giữ kỹ năng, bí quyết; truyền nghề, dạy nghề cho từ 150 cá nhân trở lên, trừ trường hợp nghề đặc thù hoặc đã đào tạo 1 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”; sau khi đã được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”, Nghệ nhân phải trực tiếp thiết kế, chế tác được 2 sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị kinh tế, kỹ thuật và mỹ thuật, đạt giải thưởng hoặc được tổ chức nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội-nghề nghiệp cấp chứng nhận đạt thành tích tại các cuộc thi, hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế được Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức. Có thời gian hoạt động trong nghề từ 20 năm trở lên.
Mời bạn đọc góp ý tại đây.
Tuệ Văn