Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Mục đích xây dựng Luật phòng không nhân dân là hoàn thiện cơ sở pháp lý ổn định về PKND theo hướng áp dụng các quy định pháp luật một cách đồng bộ, khả thi trong thực tiễn thi hành. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Bộ Quốc phòng cho biết, phòng không nhân dân là một nội dung của công tác quốc phòng, quân sự; được xây dựng, tổ chức hoạt động trong khu vực phòng thủ, nhằm thực hiện phòng, tránh, đánh trả và khắc phục hậu quả trong chiến tranh; bảo vệ Đảng, chính quyền, tính mạng, tài sản của Nhân dân, tài sản của cơ quan, tổ chức ở địa phương, cơ sở, tài sản của nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp và là lực lượng nòng cốt cùng toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ vùng trời Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng, an ninh và PKND đã được quan tâm, ngày càng hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PKND; việc triển khai công tác PKND ngay từ thời bình đã được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tương đối đồng bộ, toàn diện; Ban Chỉ đạo PKND từ Trung ương đến đơn vị, địa phương được thành lập theo đúng quy định của pháp luật, lực lượng kiêm nhiệm PKND do toàn dân tham gia được tổ chức chặt chẽ, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác PKND, nhất là khả năng sẵn sàng chiến đấu, tham gia quản lý vùng trời ở độ cao thấp, cực thấp và quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ của lực lượng PKND ngày một vững chắc, rộng khắp, góp phần quan trọng trong bảo vệ vùng trời Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thực tiễn để kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đòi hỏi phải xây dựng Luật PKND, được thể hiện cụ thể ở những vấn đề cơ bản sau:
Qua tổng kết thi hành pháp luật về PKND giai đoạn 2015 - 2021 trên phạm vi cả nước cho thấy việc thi hành pháp luật về PKND những năm qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, khuyết điểm, bất cập, nổi bật là: Nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến công tác PKND chưa được thể chế và cụ thể hóa. Một số nội dung của Nghị định số 74/2015/NĐ-CP của Chính phủ về PKND chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quốc phòng. Công tác phối hợp giữa các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương trong chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác PKND chưa đồng bộ, thống nhất, còn bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội và chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Tổ quốc trong tình hình mới...
Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo. Trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ...; đồng thời, xây dựng lực lượng bán thường trực hùng hậu cả về số lượng, chất lượng để sẵn sàng huy động lực lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho Quân đội là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Do đó, việc xây dựng Dự án Luật Phòng không nhân dân thay thế các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay về công tác PKND là hết sức cần thiết.
Chính sách 1: Quản lý, chỉ huy, chỉ đạo lực lượng PKND;
Chính sách 2: Xây dựng lực lượng PKND;
Chính sách 3: Huy động lực lượng PKND;
Chính sách 4: Chính sách đối với lực lượng PKND.
Dự thảo Luật Phòng không nhân dân gồm 7 chương, 36 Điều.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuyết Hoa