Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Công an cho biết, qua 04 năm triển khai thực hiện, công tác thi hành án hình sự từng bước đi vào nền nếp, thống nhất, nghiêm minh, chặt chẽ, các quyền và chế độ của phạm nhân được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, góp phần phục vụ có hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và thể hiện được chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong giáo dục, cải tạo người phạm tội.
Bên cạnh kết quả đạt được, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc xuất phát từ quá trình tổ chức, triển khai thực hiện công tác thi hành án hình sự như chưa có cơ sở pháp lý vững chắc trong thực hiện tổ chức lao động cho phạm nhân ngoài trại giam; một số quy định Luật Thi hành án hình sự chưa đồng bộ, thống nhất với pháp luật chuyên ngành; việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ - thông tin chưa được chú trọng, đẩy mạnh; công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng chưa được đổi mới nhằm đạt hiệu quả tốt nhất, chủ yếu vẫn thực hiện theo phương thức "thủ công". Trước tình hình đó, việc sửa đổi Luật Thi hành án hình sự năm 2019 được đặt ra rất cần thiết, bởi các lý do sau đây:
Một là, đổi mới công tác quản lý đối với người thi hành án hình sự tại cộng đồng nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát, giáo dục với đối tượng này.
Thời gian qua, công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành án hình sự tại cộng đồng đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng hiện nay đang được thực hiện bằng biện pháp thủ công hành chính, dẫn đến hiệu quả chưa cao, chưa theo kịp và đáp ứng được tình hình, yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay. Đặc biệt, có nơi có lúc đã xảy ra tình trạng người chấp hành án tại cộng đồng bỏ trốn khỏi nơi cư trú, chính quyền địa phương không nắm được tình hình, cá biệt còn có những trường hợp vi phạm pháp luật hình sự ở địa phương khác mà chính quyền địa phương được giao giám sát, giáo dục không biết, không nắm được tình hình. Từ đó, dẫn đến tình trạng giám sát giáo dục người chấp hành án tại cộng đồng không được giám sát, giáo dục dễ quay trở lại con đường phạm tội, làm giảm tính nghiêm minh, răn đe, giáo dục của bản án, từ đó cũng làm phức tạp hơn tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Để tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về "giảm hình phạt tù, tăng hình phạt ngoài cộng đồng" và theo cùng với xu thế của thế giới, số người chấp hành án hình sự tại cộng đồng sẽ ngày càng tăng và đặt ra yêu cầu cần phải đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng.
Hai là, áp dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ - thông tin trong công tác thi hành án hình sự.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang diễn ra, việc ứng dụng sâu rộng công nghệ và chuyển đổi số trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội là tất yếu và cũng là mục tiêu chiến lược trong tình hình mới, theo đó, bên cạnh những khó khăn, vướng mắc xuất phát từ quy định pháp luật của thi hành án hình sự, qua thực tiễn triển khai công tác thi hành án hình sự nhận thấy còn một số bất cập hạn chế trong ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ - thông tin thực hiện công tác thi hành án hình sự như: (1) Cơ sở vật chất phục vụ công tác thi hành án hình sự chưa được trang bị các công nghệ kiểm soát an ninh, soi chiếu; thiếu hệ thống kiểm soát người ra, vào ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt và tích hợp các thông tin từ giấy tờ cá nhân; thiếu hệ thống trung tâm chỉ huy để tập trung chỉ đạo, điều hành, quản lý thống nhất; hệ thống giám sát chưa hoàn thiện, chất lượng chưa đồng đều, mô hình kết nối, chia sẻ, trích xuất dữ liệu chưa hiệu quả; thiếu hệ thống phát hiện và cảnh báo các thiết bị xâm nhập trái phép…; (2) Hoạt động thu thập thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cơ sở giam giữ còn nhiều tồn tại, hạn chế, thủ công, chưa kịp thời, thiếu hiệu quả; các thông tin thiếu tính liên thông, đồng bộ; (3) Việc bố trí cán bộ quản lý, sử dụng hệ thống kiểm soát an ninh còn gặp rất nhiều khó khăn do biên chế cán bộ hạn chế, phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, cán bộ thiếu kinh nghiệm trong công tác theo dõi, giám sát, chưa phát hiện kịp thời các hành vi của các đối tượng. Trình độ công nghệ thông tin của cán bộ chưa cao, nhất là tại các trại giam, trong khi biên chế thiếu, việc đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý, vận hành, khai thác hệ thống kiểm soát an ninh còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Do vậy, đặt ra vấn đề cần nghiên cứu bổ sung chế định mới về việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ - thông tin nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hình sự là cần thiết.
Ba là, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về công tác thi hành án hình sự nhằm tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành
Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật triển khai Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đến nay cơ bản đã được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai, tổ chức thực hiện công tác thi hành án hình sự trong thực tiễn, tuy nhiên, qua thời gian 04 năm triển khai thi hành Luật, nhận thấy, một số quy định pháp luật về thi hành án hình sự còn chưa thực sự đồng bộ với các quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan, một số quy định đã bộc lộ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện như: (1) Các quy định về thực hiện chế độ của phạm nhân, đội phạm nhân (Chưa có quy định về thực hiện khen thưởng đối với đội phạm nhân; chưa có quy định về thời gian thực hiện thăm gặp thân nhân, thời gian thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự; chưa có quy định về việc cho phép phạm nhân thực hiện liên lạc với thân nhân bằng cuộc gọi có hình ảnh...); (2) Các quy định về quản lý, giam giữ phạm nhân (Chưa có quy định về trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội trong quản lý người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; chưa có quy định về việc xếp loại chấp hành án phạt tù theo tháng đối với phạm nhân; Luật chưa có quy định về việc tổ chức lao động cho phạm nhân ngoài trại giam, hiện nay đang thực hiện thí điểm theo Nghị quyết 54/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam...); (3) Quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 chưa đồng bộ với quy định Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 (hiện nay, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 đã bỏ quy định về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước theo tuyến mà quy định theo các cấp khám chữa bệnh).
Từ những cơ sở nêu trên, việc xây dựng Luật Thi hành án hình sự sửa đổi là cần thiết nhằm tiếp tục nâng cao, bảo đảm hiệu quả công tác thi hành án hình sự; tiếp tục cụ thể hóa quy định về quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng trong việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ - thông tin trong quốc phòng, an ninh; đổi mới phương thức quản lý, giám sát, giáo dục đối với người thi hành án hình sự tại cộng đồng đáp ứng, phù hợp yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Nội dung Luật thi hành án hình sự (sửa đổi) tập trung vào 3 chính sách
Chính sách 1: Quy định thực hiện giám sát điện tử đối với người chấp hành án hình sự tại cộng đồng
Chính sách 2: Hoàn thiện quy định về mô hình cơ sở giam giữ
Chính sách 3: Hoàn thiện quy định về các quy định của Luật Thi hành án hình sự còn vướng mắc, bất cập để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Nước Nước