Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nghị định này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc cung cấp và sử dụng dịch vụ xác thực và định danh điện tử đa dạng, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong giao dịch điện tử; đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh góp phần hoàn thành các mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử.
Mục tiêu, nội dung và giải pháp thực hiện chính sách
Trong đề nghị xây dựng Nghị định, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ: Chính sách 1: Giá trị pháp lý của các hình thức xác thực, định danh điện tử
Mục tiêu của chính sách: Nhằm tạo hành lang pháp lý cho các hình thức xác thực, định danh điện tử sử dụng trong giao dịch điện tử; Nâng cao tính tin cậy của các giao dịch điện tử, thông qua đó thúc đẩy triển khai, áp dụng các hình thức xác thực và định danh điện tử.
Nội dung của chính sách là quy định giá trị pháp lý cho các hình thức xác thực, định danh điện tử trong giao dịch điện tử.
Giải pháp để thực hiện chính sách đã được lựa chọn và lý do của việc lựa chọn: Xây dựng các phương pháp định danh, phương pháp xác thực điện tử tiên tiến, phổ biến phù hợp với hiện trạng giao dịch điện tử ở Việt Nam.
Lý do lựa chọn là hiện nay, việc sử dụng các hình thức xác thực, định danh điện tử trong các giao dịch điện tử chưa được pháp lý hóa nhằm bảo vệ quyền lợi của người sử dụng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực, định danh điện tử. Do đó, việc quy định giá trị pháp lý cho các hình thức xác thực, định danh điện tử là cần thiết.
Chính sách 2: Điều kiện cung cấp dịch vụ xác thực điện tử, định danh điện tử
Mục tiêu của chính sách: Nhằm đảm bảo việc cung cấp dịch vụ xác thực điện tử đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, an ninh thông tin, tiêu chuẩn về tài chính, nhân sự.
Nội dung của chính sách: Cung cấp dịch vụ xác thực điện tử sử dụng tên người dùng/mật khẩu (username/password); cung cấp dịch vụ xác thực điện tử sử dụng mật khẩu dùng một lần; cung cấp dịch vụ xác thực điện tử sử dụng số điện thoại.
Giải pháp để thực hiện chính sách: Lựa chọn các hình thức xác thực điện tử phổ biến trên thế giới và phù hợp với thực tế Việt Nam; đem lại hiệu quả thực sự cho việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Lý do lựa chọn: Hiện nay, các hình thức xác thực điện tử như username/password, mật khẩu dùng một lần (OTP), sinh trắc học, … được sử dụng rất phổ biến trong các giao dịch điện tử. Tuy nhiên, các hình thức xác thực điện tử này chưa được pháp luật quy định, chưa tuân theo các tiêu chuẩn bảo mật tiên tiến dẫn đến rủi ro cho người dùng trong các giao dịch điện tử như năm 2016, một số khách hàng của các ngân hàng thương mại Việt Nam bị mất tiền do sử dụng OTP không đảm bảo…
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
LP