Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Quốc phòng cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ vĩ đại của Cách mạng và Nhân dân Việt Nam, Chiến sĩ cách mạng lỗi lạc của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là "Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam".
Sau khi Người qua đời, thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, tại phiên họp ngày 29/11/1969, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) đã bàn và quyết định: "Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng mộ của Người".
Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (công trình Lăng) là công trình có ý nghĩa chính trị, văn hóa đặc biệt, công trình của "Lòng dân - ý Đảng", thể hiện tình cảm sâu sắc của đồng bào, chiến sỹ cả nước đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là nơi nhân dân Việt Nam, từ thế hệ này đến thế hệ khác sẽ đến viếng để tỏ lòng biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, trung thành, quyết tâm đi theo con đường cách mạng do Người vạch ra nhằm xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Nhiều Nguyên thủ quốc gia các nước và các đoàn khách quốc tế khi sang thăm Việt Nam đều đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ sự tôn kính Người cũng như thể hiện tình cảm trân trọng đối với đất nước, con người Việt Nam.
Thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và công trình Lăng là biểu tượng cho những di sản vô giá về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người; việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của công trình Lăng có ý nghĩa hết sức to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Mặc dù công tác giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ công trình Lăng luôn được Đảng, nhà nước đặc biệt quan tâm đầu tư về mọi mặt, được các tầng lớp nhân dân ủng hộ, tuy nhiên, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ công trình Lăng trong tình hình mới đang đặt ra nhiều nội dung, yêu cầu đòi hỏi phải điều chỉnh, bổ sung.
Theo Bộ Quốc phòng, công tác giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ công trình Lăng là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt, quá trình thực hiện sẽ tác động ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân, mà theo quy định của pháp luật phải do Quốc hội quy định hoặc giao cơ quan có thẩm quyền quy định, như việc hạn chế trong xây dựng công trình, việc quay phim, chụp ảnh, đi lại, mang mặc... trong khu vực, phạm vi quản lý của công trình Lăng hoặc khi tham gia các hoạt động thăm viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bảo quản, giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình khoa học đặc biệt; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình đặc biệt, yêu cầu kĩ thuật đặc thù, nhiều thiết bị đơn chiếc, sản xuất theo đặt hàng, không có thiết bị, tài sản tương tự để đối chiếu, so sánh về định mức kinh tế-kỹ thuật. Vì vậy, cần có cơ chế đặc thù trong đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ bảo quản thi hài và mua sắm, duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị công trình Lăng.
Công tác chăm sóc, bảo quản thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ công trình Lăng phải đồng thời đáp ứng yêu cầu hai nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là vừa đảm bảo giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và an ninh, an toàn tuyệt đối công trình Lăng; vừa phải đảm bảo phục vụ chu đáo nhân dân, khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thăm quan công trình Lăng. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật hiện hành chưa có quy định về việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình chăm sóc, bảo quản thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như quy định đặc thù, riêng biệt để đảm bảo cân bằng, hài hòa giữa nhiệm vụ bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn, cũng như nhiệm vụ phát huy ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa của công trình Lăng.
Thêm vào đó, chế độ, chính sách đối với lực lượng làm nhiệm vụ tại Ban Quản lý Lăng chưa đảm bảo công bằng giữa các lực lượng vũ trang và lực lượng công chức, viên chức, mặc dù có cùng tính chất nhiệm vụ (hiện nay Nhà nước đã quy định người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân cũng được hưởng chế độ như đối với quân nhân). Mặt khác, nhiều cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Lăng được đào tạo chuyên sâu theo chuyên ngành hẹp, đặc thù chỉ có thể được áp dụng trong công tác giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, đòi hỏi phải có chế độ ưu đãi để giữ gìn, thu hút nguồn nhân lực có chuyên môn sâu.
Theo Bộ Quốc phòng, từ những lý do trên cho thấy, cần thiết xây dựng Pháp lệnh Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để phù hợp với yêu cầu của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của công trình Lăng trong giai đoạn mới.
Mời bạn đọc xem Hồ sơ đề nghị xây dựng Pháp lệnh Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và góp ý tại đây.
Tuệ Văn