Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thứ trưởng Bộ NNN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp - Ảnhh: VGP/Đỗ Hương |
Thưa ông, sau khi làm việc với các hiệp hội liên quan đến ngành nông nghiệp, ông có suy nghĩ gì về những kiến nghị của các đơn vị này?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Bộ NN&PTNT trân trọng tất cả các ý kiến đóng góp của tất cả các thành phần, từ người dân, doanh nghiệp, các hiệp hội… Các hiệp hội đại diện cho rất nhiều doanh nghiệp, do vậy tiếng nói thường đa dạng và có tính chuyên môn cao. Nhận được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ xử lý các vấn đề liên quan đến ngành nông nghiệp, chúng tôi có tập hợp các hiệp hội có nhiều kiến nghị để báo cáo chung và nắm bắt những vấn đề mới phát sinh, từ đó tìm cách gỡ vướng ngay cho doanh nghiệp.
Thực tế các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ngày càng tăng lên. Trong vòng 4-5 năm nay số lượng doanh nghiệp tăng trung bình 15%/năm, số tiền đầu tư cũng khá lớn. Đặc biệt, tín hiệu vui là các tập đoàn lớn chưa từng đầu tư vào nông nghiệp giờ đã đầu tư và làm ăn rất bài bản từ khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ.
Chúng tôi cho rằng khi các doanh nghiệp lớn đầu tư là sẽ có sự dẫn dắt thị trường, kể cả sản xuất và xuất khẩu. Vấn đề đặt ra là làm thế nào thành lập được chuỗi giá trị từ những sự đầu tư này. Cùng với đó, làm thế nào để người nông dân được hưởng lợi trong chuỗi này, tức là nông dân phải tham gia được vào quá trình đầu tư đó thì chúng ta có môi trường nông nghiệp tốt hơn, để nông dân có cơ hội được nghĩ thật, làm thật và hưởng lợi thật.
Những vấn đề các hiệp hội nêu lên hôm nay được Bộ NN&PTNT tiếp thu và xử lý thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Hôm nay các doanh nghiệp và hiệp hội đề xuất rất nhiều vấn đề, những vấn đề vướng có thể xử lý bằng thông tư, nghị định thì có thể giải quyết ngay. Tuy nhiên, có những vấn đề cần xem xét kỹ hơn và thống nhất hướng giải quyết trong thời gian tới để tạo ra cơ chế thông thoáng.
Vấn đề lớn cần làm ngay là gỡ vướng cho các thủ tục cấp giấy phép trong điều kiện dịch COVID-19. Đến nay, khoảng 20 loại giấy phép của ngành nông nghiệp đến hạn phải cấp cho các đơn vị, theo quy định muốn cấp thì phải đi kiểm tra nhưng trong điều kiện hiện nay không thể đi được. Chúng tôi đã đề xuất với Chính phủ ra một nghị quyết điều chỉnh một số điều khoản để có thể kiểm tra online hoặc bằng một số giải pháp khác để có thể kiểm tra và cấp các giấy phép sớm nhất.
Thứ hai, việc kiểm dịch cấp phép kể cả nhập khẩu và xuất khẩu cho một số loại hàng hoá hiện nay vẫn còn có vấn đề. Quan trọng nhất là giảm số lượng các mặt hàng cần phải kiểm dịch và kiểm tra. Chúng tôi đã giảm 157 mã hàng hải quan cần kiểm tra (mã HS) trên tổng số hơn 300 mã cần phải kiểm tra. Đây là nỗ lực rất lớn, tuy nhiên chưa đủ. Chúng tôi xác định, các mặt hàng cần phải kiểm tra thời gian phải nhanh hơn, thái độ phục vụ tốt hơn đồng thời ứng dụng công nghệ để doanh nghiệp chỉ nộp hồ sơ và lấy kết quả tại 1 điểm chứ không phải cách thức như bây giờ.
Nổi lên trong các kiến nghị vẫn là câu chuyện của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP). Theo VASEP, những sản phẩm dùng làm thực phẩm chỉ nên kiểm tra an toàn thực phẩm chứ không nên kiểm dịch. Quan điểm của ông về câu chuyện này thế nào?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Đúng là còn một số vướng mắc trong việc kiểm dịch của lĩnh vực thú y mà nổi lên chủ yếu là câu chuyện của VASEP về khái niệm kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm. VASEP đề nghị các mặt hàng tươi sống thì cần kiểm dịch mặt hàng để chế biến và dùng làm thực phẩm thì chỉ kiểm tra an toàn thực phẩm, đây cũng là thông lệ của quốc tế.
Trong lĩnh vực bảo vệ thực vật chúng tôi đã thực hiện việc này, hầu như đã bỏ được rất nhiều các quy định về kiểm dịch không cần thiết với các sản phẩm dùng làm thực phẩm. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị thú y, quan điểm giải quyết là vừa theo thông lệ quốc tế, đảm bảo được an toàn vừa để doanh nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi nhất. Chúng tôi đang theo hướng phân loại các mặt hàng, phân định loại kiểm dịch, loại kiểm tra an toàn thực phẩm.
Nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ mong muốn thực hiện được hình thức hành chính “1 cửa” ở cấp độ 4 – có nghĩ là nhận và trả hồ sơ trực tuyến. Việc này sẽ giảm thiểu chi phí và tránh phát sinh tiêu cực rất lớn, vậy Bộ NN&PTNT đang triển khai việc này như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Về ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện cơ chế “1 cửa”, Bộ đang làm nhưng còn vướng một chút về vấn đề kỹ thuật. Hiện nay, Bộ phối hợp với VNPT để hoàn tất các vấn đề kỹ thuật để có thể liên thông với hệ thống 1 cửa quốc gia của Chính phủ. Ngay trong năm nay nếu vấn đề kỹ thuật được giải quyết thì sẽ đồng nhất được với hệ thống này.
Chúng tôi cũng xác định song song với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thì cũng sẽ luôn lắng nghe và tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp để sửa đổi những vấn đề phát sinh từ cuộc sống. Xây dựng thì nhanh nhưng sửa thì đòi hỏi phải thường xuyên liên tục. Quan điểm của chúng tôi là không cầu toàn theo hướng xem xét kỹ hết các sai sót rồi mới tiến hành nghiên cứu chỉnh sửa, sai đâu phải sửa đấy ngay thì mới đáp ứng được yêu cầu của đời sống và thị trường.
Ông có nói đến việc muốn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp không chỉ sửa văn bản pháp luật mà còn sửa cả thái độ làm việc. Xin ông nói rõ hơn quan điểm này!
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Thủ tướng đã chỉ đạo việc tạo môi trường tốt nhất, thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp ngoài việc sửa các vướng mắc trong cơ chế, chính sách, pháp luật thì còn phải sửa cả thái độ làm việc.
Nhiều khi các quy định đưa ra rất đúng, doanh nghiệp cũng đồng tình với nội dung quy định nhưng vấn đề cách thức triển khai quy định đó lại có vấn đề. Tôi ví dụ như cán bộ công chức do kiêm nhiệm nhiều việc nên làm một thủ tục rất chậm, nhiều khi văn bản của doanh nghiệp sai, trả lại văn bản nhưng không nói rõ lý do cũng gây ức chế cho doanh nghiệp. Thực tế cũng không quy định nào yêu cầu người cán bộ đó phải giải thích cặn kẽ các lỗi sai cho doanh nghiệp nhưng nếu suy nghĩ đúng và hành động với thái độ phục vụ thì mọi việc cũng sẽ được gỡ vướng tốt hơn.
Cảm ơn những chia sẻ của ông!Đỗ Hương (thực hiện)