Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực tạo ra thương hiệu chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Hiện cả nước có 500 nhãn hiệu được công nhận "Hàng Việt Nam chất lượng cao". Tuy nhiên con số này chiếm tỷ lệ rất thấp so với hàng triệu sản phẩm có mặt trên thị trường. Thực tế trên thị trường hàng nước ngoài vẫn chiếm ưu thế không chỉ ở các mặt hàng sản xuất với công nghệ cao mà ngay cả hàng tiêu dùng, thực phẩm, hoa quả, trái cây...
Để cuộc vận động đạt hiệu quả cao, nên chăng các cơ quan của Đảng, Nhà nước, đoàn thể phải gương mẫu khi mua sắm phương tiện đi lại, công cụ sản xuất, mua sắm tài sản, vật dụng văn phòng, thực hiện các dự án xây dựng cơ bản,... ưu tiên sử dụng hàng nội.
Các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ sản xuất, áp dụng kỹ thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, hạ giá thành sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, cải tiến mẫu mã phù hợp tâm lý người tiêu dùng. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần thực hiện tốt chế độ hậu mãi, xây dựng thương hiệu cho nhiều sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp mình; tăng cường các hình thức quảng bá sản phẩm, và có chiến lược khai thác thị trường trong nước và sản xuất hàng chất lượng. Nên có sự liên kết giữa các nhà sản xuất và doanh nghiệp với nhau để cung ứng nguyên liệu sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm; có thể liên kết thành những tập đoàn mạnh để đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Cần nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển hệ thống phân phối, thường xuyên cung cấp thông tin trung thực đến khách hàng, đồng thời lắng nghe người tiêu dùng để hiểu nhu cầu của họ và phục vụ tốt hơn... Đó cũng chính là cách để doanh nghiệp tạo cho người tiêu dùng niềm tin khi dùng hàng Việt. Một yêu cầu nữa của người tiêu dùng là các cơ quan Nhà nước phải xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.
Hồng Dung
Nguồn: Báo Nghệ An 12/11/2010