Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Di tích cấp quốc gia đặc biệt - Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) là quần thể kiến trúc độc đáo đã được khoanh vùng bảo vệ trên diện tích 130ha (Khu phố cổ). Trong phạm vi khoanh vùng Khu phố cổ, ngoài công trình kiến trúc còn có sông ngòi, kênh lạch, cây xanh, đường sá, bến cảng, kiệt hẻm,… cũng là các thành tố cấu thành nên giá trị của khu di sản. Vì thế, so với hầu hết di tích/khu di tích ở Việt Nam thì Khu phố cổ Hội An có tính đặc thù rất riêng, được ví như là "bảo tàng sống", nơi người dân sống chung với di sản, bản thân họ cũng là nhân tố tạo nên "phần hồn" của di sản và có vai trò quyết định đến việc bảo tồn, phát huy của khu di sản.
Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cho biết, suốt nhiều năm, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với du lịch theo hướng bền vững nhằm tạo động lực cho sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội là nhiệm vụ then chốt của TP. Hội An. Bên cạnh vai trò của Nhà nước, Thành phố đã khuyến khích, huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân liên quan trong quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Khu phố cổ.
Cùng với quần thể Di sản văn hóa kiến trúc Khu phố cổ, TP. Hội An còn tập trung bảo tồn và phát huy giá trị các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, hình thành các sản phẩm du lịch mới như "Đêm phố cổ", "Phố đi bộ", "Phố không có tiếng động cơ xe máy", các khu chợ đêm, dịch vụ ghe bơi trên sông.
Gần như xuyên suốt quanh năm, Hội An đều có các lễ hội truyền thống. Trong đó nổi bật là Tết Nguyên tiêu tại di tích Chùa Ông, các hội quán và di tích tín ngưỡng cộng đồng diễn ra vào ngày 15 và 16 tháng Giêng là lễ hội lớn thu hút hàng nghìn du khách và nhân dân trong và ngoài Thành phố tham gia.
Ngoài ra, việc phát triển du lịch cộng đồng tại Hội An cũng đã được chú trọng, với việc gắn lợi ích và nghĩa vụ người dân địa phương, trong đó cộng đồng dân cư vừa là người cung cấp các sản phẩm dịch vụ du lịch vừa là chủ thể của hoạt động du lịch. Các sản phẩm du lịch như "Một ngày làm cư dân phố cổ", "Một ngày làm cư dân làng rau Trà Quế", "Một ngày làm cư dân làng nghề đèn lồng", "Đêm rằm phố cổ"... đã được cộng đồng cư dân địa phương tham gia một cách tích cực.
Thống kê từ khi tổ chức hoạt động tham quan trong Khu phố cổ (năm 1986), Hội An đón lượng khách tham quan tăng dần qua các năm. Nếu trong năm 2000, Hội An có 192.420 lượt khách đến thì đến năm 2019 con số này gần 5,7 triệu lượt khách; năm 2023 đạt 7,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 3,8 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt 7.950 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch ước đạt 6,5 triệu lượt, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó: khách quốc tế ước đạt 4,3 triệu lượt, doanh thu du lịch 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6.230 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023.
Hoạt động du lịch đã tạo ra nguồn thu ngân sách quan trọng để tái đầu tư cho công tác trùng tu di tích, tổ chức các hoạt động lễ hội, sự kiện phát huy và chi cho công tác quản lý.
"Hội An ngày nay không chỉ là thương hiệu du lịch của Quảng Nam mà còn là điểm đến Việt Nam nói chung trên bản đồ du lịch thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều tạp chí du lịch nước ngoài như Wanderlust (Anh), Condé Nast Traveler (Mỹ), Smart Travel Asia đã bình chọn cho Hội An các danh hiệu: Thành phố được yêu thích nhất trên thế giới, 1 trong 10 thành phố du lịch tốt nhất, Điểm du lịch hấp dẫn nhất Châu Á...", ông Phạm Phú Ngọc khẳng định.
Ông Phạm Phú Ngọc chia sẻ, để đạt được sự bền vững trong phát triển du lịch, Hội An đã phải đối mặt với nhiều thách thức. Sự gia tăng lượng khách du lịch có thể dẫn đến các tác động tiêu cực như ô nhiễm môi trường, xuống cấp các công trình kiến trúc, và sự biến đổi trong lối sống cộng đồng. Trước những thách thức này, chính quyền và cộng đồng Hội An đã thực hiện hàng loạt biện pháp bảo tồn nhằm đảm bảo rằng các giá trị cốt lõi của Hội An không bị phai mờ theo thời gian.
Thực tế quản lý Đô thị cổ Hội An từ trước đến nay, đặc biệt là sau 25 năm từ khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (4/12/1999-4/12/2024), hệ thống quản lý trực tiếp di sản đã được xây dựng và hoạt động hiệu quả. Trong mô hình này, UBND TP. Hội An trực tiếp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản, đồng thời hình thành cơ chế quản lý gắn kết hiệu quả giữa nhà quản lý-nhà khoa học-người dân (chủ di tích); đặc biệt là đảm bảo hài hòa lợi ích của cộng đồng dân cư.
Việc quản lý, bảo tồn các di tích đơn lẻ trong khu di sản được quản lý chặt chẽ, hiệu quả bởi Quy chế bảo vệ do UBND TP. Hội An trực tiếp xây dựng, vận hành và quản lý. Trên cơ sở quy định và nguyên tắc chung về bảo tồn di tích, Quy chế đã phân thành 5 loại giá trị bảo tồn và đánh giá, phân loại cho từng di tích đơn lẻ; mỗi loại giá trị bảo tồn có quy định bảo tồn cụ thể (đã được duy trì thực hiện từ năm 2006 đến nay) - điều này Luật Di sản văn hóa không thể quy định chi tiết được, nhưng lại là cơ sở để địa phương quản lý rất hiệu quả đối với công tác này trong thời gian dài đã qua.
Nhờ vậy, Hội An đã bảo tồn nguyên vẹn những giá trị văn hóa của tổ tiên, di sản văn hóa đã trở thành nền tảng, động lực, hành trang để Hội An vững bước đi lên xây dựng phát triển kinh tế - xã hội.
Có thể khẳng định, với nguồn tài nguyên văn hóa quý giá có được từ công sức tạo dựng, tô bồi, gìn giữ, phát huy của các thế hệ lãnh đạo chính quyền và cư dân địa phương cho đến nay, TP. Hội An đã, đang và sẽ tiếp tục kiên định quan điểm lấy bảo tồn di sản văn hóa làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của Hội An theo định hướng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch.
Nhật Anh