Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đường vào xã Ia Lâu, thôn Đà Bắc, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai uốn lượn, phong cảnh hữu tình với những rặng cỏ lau khô bên đường và những quả đồi xanh ngút ngàn.
Vào những ngày cuối tuần, bà con dân tộc Mường tập trung để tập luyện trình diễn cồng chiêng. Phụ nữ mặc trang phục chỉnh tề, đúng quy cách với áo trắng, váy đen dài, khăn trùm đầu. Bên giá đỡ 2 chiếc chiêng và 1 chiếc trống, mọi người nắm tay nhau múa xòe, nhảy sạp và hát đối đáp bằng tiếng Mường; các thành viên tập luyện hăng say trong không khí vui vẻ, sôi nổi.
Chị Bùi Thị Tinh, Chi Hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Đà Bắc, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai chia sẻ: Với người Mường, cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ mà còn có ý nghĩa linh thiêng trong sinh hoạt văn hóa tinh thần. Nếu như chiêng của đồng bào Jrai, Bahna chủ yếu là nam giới đánh, thì chiêng Mường lại chủ yếu là phụ nữ. Bộ chiêng của bà con ở Tây Nguyên có nhiều chiếc, còn bộ chiêng của người Mường gồm 2 chiếc chiêng và 1 chiếc trống; âm thanh của chiêng Mường bay bổng, ngân vang.
Chị Tinh chia sẻ, khi công trình nhà máy Thủy điện Hòa Bình được xây dựng, người Mường di cư từ xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình vào Gia Lai lập nghiệp. Lúc đầu, chỉ có vài chục hộ nhưng đến nay thôn Đà Bắc đã có 125 hộ là người dân tộc Mường. Trong hành trang di cư thường có thêm bộ cồng chiêng và được người dân cất giữ cẩn thận.
"Lúc mới vào lập nghiệp, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên việc bảo tồn văn hoá cồng chiêng chưa được chú trọng. Dần dần, cuộc sống ổn định, bà con càng chú trọng việc bảo tồn truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Người già cùng các nghệ nhân đứng ra tập hợp con cháu lại để truyền dạy các bài cồng chiêng. Bà con tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, sinh hoạt văn hóa mà không thể thiếu âm nhạc cồng chiêng. Hương ước của thôn cũng đề cập đến việc bảo tồn cồng chiêng của dân tộc", chị Tinh nói.
Chị Tinh cho hay, cồng chiêng là biểu tượng văn hóa của người Mường. Không những vậy, cồng chiêng còn góp một phần nhỏ bé vào sự đa dạng của nền văn hóa đa sắc tộc Việt Nam. Nhạc cụ này tham gia vào tất cả các hoạt động đời sống, văn hóa, do đó dù là già hay trẻ, dù là trai hay gái, hễ là người Mường thì đều coi cồng chiêng là bảo vật thiêng liêng của mình, họ lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Những bài chiêng thường được biểu diễn khi nhà có khách, đám cưới, ngày hội lớn của cộng đồng. "Nhờ được các nghệ nhân chỉ dạy tận tình, đến nay tôi đánh thuần thục nhiều bài chiêng truyền thống của dân tộc. Khi có việc vui thì đánh cả 2 chiêng, 1 trống; việc buồn thì đánh 1 chiêng, 1 trống.", chị Tinh kể.
Để tiếng chiêng mãi vang xa
Đối với đồng bào Mường ở xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, văn hóa cồng chiêng là một di sản rất đặc biệt mà dù trải qua bao biến cố thời gian, họ vẫn đang từng ngày bảo vệ và phát huy, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc.
Để phát huy giá trị của văn hóa cồng chiêng trong đời sống, cuối năm 2023, Chi hội Phụ nữ phối hợp cùng Chi đoàn thôn Đà Bắc thành lập Câu lạc bộ cồng chiêng người Mường. Thời gian đầu, Câu lạc bộ chỉ có 20 thành viên nhưng đến nay đã tăng lên 50 thành viên. Câu lạc bộ duy trì sinh hoạt vào dịp cuối tuần. Không chỉ sinh hoạt tại địa phương, Câu lạc bộ Cồng chiêng người Mường thường xuyên tham gia nhiều chương trình văn hóa do địa phương tổ chức.
Ông Đinh Văn Thiên, người dân thôn Đà Bắc chia sẻ, xa quê vào vùng đất mới để sinh sống nên người Mường rất đoàn kết, quan tâm lẫn nhau. Luôn nhắc nhở nhau việc duy trì nét văn hóa dân tộc mình; bởi việc giữ gìn văn hóa cồng chiêng không chỉ góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường mà còn là sự kết nối với quê hương, nguồn cội.
Theo anh Nguyễn Thế Sơn Kiên, Bí thư Đoàn xã Ia Lâu, thôn Đà Bắc là một trong những địa phương tập trung đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống. Các nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc Mường như ném còn, hát ví và đặc biệt là cồng chiêng vẫn được người dân nơi đây gìn giữ và phát huy. Trong không khí lễ hội, nhờ có tiếng chồng chiêng mà trở nên rộn ràng, tươi vui hơn. Khi tiếng cồng chiêng vang lên, sâu thẳm mỗi người Mường đều cảm thấy tự hào, thêm yêu quý văn hóa của dân tộc mình và từ đó chung tay gìn giữ, để tiếng chiêng ngân vang, rộn rã nơi vùng biên giới.
Lưu Hương