Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
PGS - TS Đặng Văn Bài. Ảnh: VGP/Hà Minh |
PGS - TS Đặng Văn Bài: Việc Thủ tướng Chính phủ có quyết định công nhận Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Di tích quốc gia đặc biệt (ngày 10/5/2012) thể hiện sự đánh giá của Nhà nước ta đối với những di sản có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa - khoa học.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những di tích sớm nhất được công nhận là Di tích quốc gia và Di tích quốc gia đặc biệt. Điều đó khẳng định một lần nữa về giá trị văn hóa - khoa học của di tích này. Đồng thời cho thấy trách nhiệm của Nhà nước, Bộ VHTTDL, UBND TP Hà Nội, sự quan tâm của nhân dân về thái độ ứng xử với di tích.
Khi được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, vị thế của Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trở thành di tích của toàn quốc gia.
Thêm nữa, trong di sản đặc biệt này có 82 văn bia được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Vì thế, khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là niềm tự hào về văn hóa của Việt Nam vì chúng ta đã đóng góp xứng đáng vào kho tàng di sản nhân loại, đồng thời điều đó cũng làm cho tiềm năng du lịch dựa trên cơ sở văn hóa để phát triển tốt hơn.
Xin ông nói rõ thêm về những giá trị đặc biệt của 82 Bia Tiến sỹ trong Văn Miếu- Quốc Tử Giám?
PGS - TS Đặng Văn Bài: Đây là những tấm bia đá lưu danh những người đỗ đạt trong các khoa thi Đình kéo dài suốt 300 năm (1442 - 1779) từ thời Lê Sơ đến cuối thời Lê Trịnh. Mỗi tấm bia là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mỗi bài ký trên bia là một áng văn mẫu mực. Những tư tưởng về triết học, sử học, những quan điểm về giáo dục, về đào tạo và sử dụng nhân tài được thể hiện trên những bài văn bia. Mặt khác, những tấm bia cũng là những tư liệu phản ánh một giai đoạn lịch sử kéo dài hơn 300 năm, là bức tranh sinh động về việc đào tạo và tuyển dụng nhân tài ở Việt Nam.
Bia đá ở nước nào cũng có, nhưng những văn bia ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám là loại quý hiếm vì đây là pho sử sống về giáo dục đào tạo ở Việt Nam. Cùng với những giá trị về lịch sử, văn hóa, 82 tấm bia còn mang những giá trị to lớn về kiến trúc nghệ thuật từ chất liệu là đá.
Mỗi một tấm bia là một tác phẩm điêu khắc, như một dạng thư pháp điển hình của Việt Nam, làm phong phú đời sống văn hóa của đất nước ta và làm đa dạng di sản văn hóa thế giới. Đó chính là niềm tự hào của Việt Nam.
Là một nhà nghiên cứu di sản, xin ông sẽ nói gì về sự phát triển của Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong cuộc sống hiện đại?
PGS - TS ĐặngVăn Bài: Theo tôi, Văn Miếu – Quốc Tử Giám có một mô hình quản lý và phát triển tương đối điển hình ở nước ta, từ trong quá khứ tới hiện tại.
Khởi đầu từ năm 1070, Văn Miếu – Quốc Tử Giám có chức năng thờ Khổng Tử. Năm 1076, có chức năng đào tạo con em trong hoàng tộc, sau đó mở rộng hơn trong cả nước. Đến giữa thế kỷ XV (1484), vua Lê Thánh Tông bắt đầu cho dựng các tấm bia để tôn vinh truyền thống hiếu học của Việt Nam. Cuối thế kỷ XIX Khuê Văn Các được xây dựng. Và trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tiến hành quy hoạch tổng thể và xây dựng Nhà Thái học. Đặc biệt, 82 văn bia được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (2010).
Điều đó cho thấy sự hình thành và phát triển của khi di tích, và qua mỗi thời kỳ, các thế hệ người Việt Nam đều có những đóng góp, bổ sung và có dấu ấn của riêng mình với các di sản văn hóa đó.
Khuê Văn Các có kiến trúc hình khối đơn giản, hòa nhập với kiến trúc tổng thể, làm tăng giá trị của Văn Miếu, trở thành biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Nhà Thái học cũng là điểm sáng của nơi này. Điều đó cho thấy cái sau làm tốt sẽ làm tăng giá trị di sản lên nhiều. Như Nhà Thái học được phục dựng nhằm mục tiêu tôn vinh văn hóa, nó không trái với mục tiêu (phục dựng địa điểm) mà còn làm tôn thêm giá trị của cả Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Thêm nữa khoảng hơn 10 năm về trước, Hà Nội đã thành lập Trung tâm Hoạt động văn hóa - khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám trực thuộc Sở VHTTDL của TP. Như vậy, ở di tích này, TP Hà Nội đã có mô hình quản lý để chăm lo việc bảo tồn, phát huy giá trị của nó. Qua đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích do một cơ quan chuyên môn đảm trách sẽ là yếu tố để di tích được bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị tốt hơn.
Theo tôi, trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử, chúng ta phải có thái độ ứng xử đúng đắn, tôn trọng yếu tố gốc (cái làm nên giá trị di sản) nhưng cũng cần phải làm cho giá trị ấy thực sự có ích (về văn hóa, lịch sử và lợi ích kinh tế). Do vậy, công tác bảo tồn cần giữ được sự cân bằng giữa hai thái cực: giữ nguyên (gốc) và phát triển vì mục tiêu kinh tế. Văn Miếu -Quốc Tử Giám đã làm được điều đó.
Trung tâm Hoạt động văn hóa - khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã tận dụng được trí tuệ của các nhà khoa học, văn hóa, các nhà quản lý, các công ty du lịch trong việc giữ gìn, phát huy giá trị của di sản phục vụ nhu cầu hưởng thụ tinh hoa văn hóa của nhân dân.
Hà Minh thực hiện