Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Tài chính cho biết, theo quy định hiện hành về xác định giá khởi điểm khi bán đấu giá trụ sở làm việc quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP thì giá khởi điểm của tài sản trên đất phải bảo đảm phù hợp với giá trị thực tế còn lại theo kết quả đánh giá lại; giá khởi điểm chuyển nhượng quyền sử dụng đất được xác định phù hợp với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất phổ biến trên thị trường theo mục đích sử dụng mới của khu đất theo quy định của pháp luật về xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, không thấp hơn giá trị quyền sử dụng đất tính theo giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành tương ứng với mục đích sử dụng mới nhân (x) với hệ số điều chỉnh giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
Tại Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị giao Chính phủ nghiên cứu thu hẹp các trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, chuyển sang hình thức cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm, bảo đảm nguồn thu ổn định từ đất đai. Tuy nhiên, việc bán trụ sở làm việc dôi dư nhằm huy động nguồn lực tài chính từ tài sản công để phục vụ cho việc đầu tư xây dựng các trụ sở làm việc mới. Vì vậy, Bộ Tài chính đã dự thảo 02 phương án để gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương:
Phương án 1: Giữ như quy định hiện hành (chỉ thực hiện giao đất hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần khi bán trụ sở làm việc).
Phương án này có ưu điểm: Huy động được ngay nguồn lực tài chính từ tài sản công để phục vụ cho việc đầu tư xây dựng các trụ sở làm việc mới.
Nhược điểm là: Chưa bảo đảm nguồn thu ổn định từ đất đai theo chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019.
Phương án 2: Sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 24 theo hướng quy định bổ sung việc xác định giá khởi điểm cho trường hợp thực hiện cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm sau khi bán trụ sở làm việc bên cạnh việc xác định theo hình thức giao đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần khi bán trụ sở làm việc như hiện hành.
Theo Bộ Tài chính, phương án 2 có ưu điểm: Tạo cơ chế linh hoạt cho cơ quan nhà nước khi thực hiện bán trụ sở làm việc; vừa có thể bảo đảm nguồn thu ổn định từ đất đai theo chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 (nếu lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất hàng năm), đồng thời, khi cần thiết cũng có thể huy động được ngay nguồn lực tài chính từ tài sản công để phục vụ cho việc đầu tư xây dựng các trụ sở làm việc mới (nếu lựa chọn hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê).
Nhược điểm: Khó khăn trong việc thu tiền thuê đất hàng năm để nộp ngân sách trung ương khi bán trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước thuộc trung ương quản lý.
Qua tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương thì có 04 địa phương chọn phương án 1; 55 bộ, ngành, địa phương chọn phương án 2; 42 bộ, ngành, địa phương không có ý kiến lựa chọn phương án.
Vì vậy, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định tại dự thảo Nghị định theo phương án 2, đồng thời, bổ sung quy định cụ thể về quy trình xác định giá khởi điểm như sau:
Đối với tài sản là trụ sở làm việc, trên cơ sở phương án đấu giá trụ sở làm việc được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán tài sản quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định này thuê tổ chức có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá xác định giá tài sản; việc thuê tổ chức có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Trường hợp không thuê được tổ chức có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá thì Sở Tài chính (nơi có tài sản) chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thành lập Hội đồng để xác định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán tài sản lập hồ sơ đề nghị xác định giá khởi điểm gửi Sở Tài chính (nơi có tài sản).
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Lan Phương