• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Đề xuất 6 nhóm chính sách thí điểm 'Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất'

(Chinhphu.vn) - Việc xây dựng Đề án thí điểm mô hình "Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý" sẽ là cuộc cách mạng trong lĩnh vực bất động sản và là sản phẩm trong chương trình phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của Bộ Xây dựng.

21/05/2025 17:02
Đề xuất 6 nhóm chính sách thí điểm 'Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất'- Ảnh 1.

Mô hình "Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý" cốt lõi là hệ thống dữ liệu, giá trị cao nhất của trung tâm là dữ liệu, cần phải được định danh, có mã số

Bộ Xây dựng vừa có Quyết định 110/QĐ-BXD về việc ban hành kế hoạch triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm lành mạnh hóa thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Đây là kế hoạch góp phần thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp và thực hiện có hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng công nhân khu công nghiệp, thu nhập thấp giai đoạn 2021-2030".

Trong Quyết định 110, Bộ Xây dựng có nhóm Nhiệm vụ 4 đó là "Nghiên cứu đề xuất Đề án thí điểm mô hình "Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý" trong đó hướng đến giao dịch qua hình thức điện tử nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và tăng cường tính công khai, minh bạch của giao dịch bất động sản trên thị trường".

6 nhóm chính sách thí điểm 

Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất cấp tỉnh hoạt động theo cơ chế một cửa liên thông, tăng cường sử dụng hệ thống công nghệ 4.0, tạo điều kiện tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.

Sau khi bên bán và bên mua đạt được thỏa thuận mua bán và làm thủ tục lập hồ sơ ký hợp đồng mua bán theo quy định của pháp luật, hai bên truy cập website cổng thông tin điện tử của trung tâm, điền vào thông tin mua nhà liên quan, nộp đơn xin yêu cầu làm thủ tục sang tên trực tuyến, ba cơ quan thẩm quyền thụ lý trực tuyến, xét duyệt theo chức năng của từng cơ quan.

Sau 2 ngày làm việc hoàn tất xét duyệt, sau khi bên mua nhận được tin nhắn đã thông qua xét duyệt, có thể đặt lịch hẹn đến trung tâm để được cấp giấy chứng nhận sở hữu bất động sản lấy ngay. Với quy trình trên, hai bên giao dịch chỉ cần đi lại một lần đến trung tâm có thể làm xong mọi thủ tục. Các giao dịch bất động sản chủ yếu bao gồm giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai, giao dịch quyền sử dụng đất, giao dịch bất động sản có sẵn, cho thuê nhà ở.

Thông tin tại cuộc họp về việc triển khai Đề án Trung tâm giao dịch bất động sản (BĐS) và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý ngày 20/5, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, dự thảo Đề án thí điểm mô hình "Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý" đưa ra 6 nhóm cơ chế, chính sách thí điểm gồm: 

Nhóm chính sách về thành lập Trung tâm giao dịch bất động sản và giao dịch quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý; Nhóm chính sách về chức năng nhiệm vụ của Trung tâm giao dịch quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý; Nhóm chính sách về quy trình, thủ tục giao dịch bất động sản, quyền sử dụng đất; Nhóm chính sách về kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động các Trung tâm giao dịch bất động sản, quyền sử dụng đất; Nhóm chính sách về xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu về giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất; Nhóm chính sách về cơ sở vật chất, nguồn lực và tổ chức thực hiện.

TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản (VARs) cho rằng, mô hình "Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý" cốt lõi là hệ thống dữ liệu, giá trị cao nhất của trung tâm là dữ liệu, cần phải được định danh, có mã số. Do đó, phải hướng việc xây dựng trung tâm dữ liệu là trọng tâm để sau này có thể kiểm soát việc mua bán bất động sản. Bất động sản không được định danh sẽ được coi là bất hợp pháp.

Cuộc cách mạng trong lĩnh vực bất động sản

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chỉ đạo, cần bổ sung phạm vi loại hình bất động sản thực hiện qua trung tâm này, tổng hợp kinh nghiệm thực tế thông tin từ các trung tâm hành chính của các địa phương. Đồng thời, cần đổi mới quan điểm, giao dịch liên thông không có ranh giới vùng miền, bất cứ địa phương nào cũng có thể giao dịch bất động sản.

Thứ trưởng đánh giá, đề án nhiều thông tin cơ bản, cần tiếp tục cập nhật hoàn thiện. Việc xây dựng Đề án thí điểm mô hình "Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý" sẽ là cuộc cách mạng trong lĩnh vực bất động sản và là sản phẩm trong chương trình phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của Bộ Xây dựng.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh giao cho Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản phối hợp cùng các đơn vị rà soát lộ trình văn bản, nêu rõ sự cần thiết, căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn; Đánh giá thêm thực trạng giao dịch bất động sản Việt Nam hiện nay, gia cố thêm hạn chế, hệ lụy và cập nhật kinh nghiệm quốc tế.

Đồng thời, dự thảo Đề án cần có báo cáo riêng mô hình quốc tế kèm theo, nghiên cứu và đánh giá thực tiễn, mô hình, cơ sở và cách thức giao dịch; Đề xuất nêu quan điểm giải quyết các vấn đề, hoạt động mục tiêu, trên cơ sở nguyên tắc quan điểm thì mới đề xuất các nhiệm vụ. Cần xây dựng quy trình phân công nhiệm vụ đối với từng nhóm cụ thể, những nhiệm vụ này cần có tính hành động, không mang tính chất lý thuyết.

"Đây cũng là cơ sở để phát triển, ứng dụng và quản lý hoạt động giao dịch bất động sản phù hợp với thực tiễn, giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện và chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển hệ thống công nghiệp số, đáp ứng yêu cầu bổ sung, hoàn thiện quy định nhằm đảm bảo công khai, minh bạch thị trường…", Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh thông tin. 

Ngày 15/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 03/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung chấn chỉnh, xử lý việc thao túng giá, đầu cơ bất động sản và thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng bất động sản.

Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu đề xuất Đề án thí điểm mô hình "Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý", trong đó hướng đến giao dịch qua hình thức điện tử nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và tăng cường tính công khai, minh bạch của giao dịch bất động sản trên thị trường; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II/2025.

Phối hợp với Bộ Công an để cập nhật, hoàn thiện, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà ở và thị trường bất động sản kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, công chứng, đất đai, đầu tư, hoạt động xây dựng,... bảo đảm phản ánh, cập nhật thường xuyên, kịp thời về tình trạng pháp lý của dự án, các bất động sản đủ điều kiện đưa vào kinh doanh, các bất động sản tồn kho; về các giao dịch bất động sản; hoàn thành trong năm 2025.

Phan Trang