Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo dự thảo, 7 hành vi bị cấm trong lĩnh vực quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp gồm:
1. Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp không đúng mục tiêu, yêu cầu, phạm vi, thẩm quyền, trình tự và thủ tục quy định của pháp luật.
2. Can thiệp không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
3. Thực hiện không đúng quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn trong việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
4. Giám sát, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra việc quản lý, đầu tư vốn tại doanh nghiệp không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
5. Cung cấp thông tin, báo cáo không trung thực, không chính xác, không đầy đủ, kịp thời theo quy định của pháp luật.
6. Tiết lộ, sử dụng thông tin của doanh nghiệp, cơ quan đại diện sở hữu vốn, cơ quan quản lý nhà nước không đúng quy định của pháp luật.
7. Vi phạm các quy định gây thiệt hại cho doanh nghiệp, chủ sở hữu vốn và nhà nước.
Dự thảo nêu rõ nguyên tắc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp như sau:
Tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Đảm bảo doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư hoạt động theo cơ chế thị trường; chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động sản xuất, kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng; công bố, công khai thông tin và giải trình theo quy định; lấy mục tiêu, nhiệm vụ và hiệu quả đầu tư vốn làm tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Nhà nước thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn theo đúng phần vốn được đầu tư tại doanh nghiệp thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và người đại diện chủ sở hữu vốn; không thực hiện quản lý trực tiếp pháp nhân doanh nghiệp và bình đẳng với các nhà đầu tư khác; vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của pháp nhân doanh nghiệp; không can thiệp hành chính vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản trị của doanh nghiệp; không làm hạn chế quyền của doanh nghiệp; tách bạch, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và hoạt động quản trị sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phân công rõ, phân cấp mạnh việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và lãnh đạo doanh nghiệp.
Nhà nước, Chính phủ thống nhất quản lý, theo dõi vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn; cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp; doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác; doanh nghiệp chịu trách nhiệm thực hiện quản lý, báo cáo và kết luận giám sát, kiểm tra theo quy định.
Sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp được thực hiện thường xuyên, liên tục, linh hoạt, kịp thời, phù hợp cơ chế thị trường với hình thức, phương thức, giải pháp thực hiện và lộ trình hợp lý.
Việc đánh giá đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư, người đại diện chủ sở hữu vốn và kiểm soát viên thực hiện theo mục tiêu, hiệu quả tổng thể, kết quả thực hiện nhiệm vụ kế hoạch được giao; đảm bảo thận trọng, khách quan, công khai, minh bạch; có loại trừ thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao và tác động của yếu tố khách quan; thực hiện công khai, minh bạch hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát và trách nhiệm giải trình đối với hoạt động của doanh nghiệp.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Lan Phương