Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất bãi bỏ toàn bộ 02 văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, liên tịch ban hành gồm:
1- Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BYT-BCA ngày 20/01/2010 của Bộ Y tế và Bộ Công an quy định việc cấp, phát, quản lý và sử dụng Thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng tham gia thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV.
Lý do Bộ Y tế đưa ra là: Ngày 28/10/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 141/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) (Nghị định số 141/2024/NĐ-CP). Theo đó, các nội dung quy định việc cấp, phát, quản lý và sử dụng Thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng tham gia thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV đã được quy định tại Mục 2 (từ Điều 6 đến Điều 12) Nghị định số 141/2024/NĐ-CP.
2- Thông tư số 04/2019/TT-BYT ngày 28/03/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc quy định việc phân cấp thẩm quyền cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện xét nghiệm khẳng định các trường hợp HIV dương tính và đình chỉ hoạt động xét nghiệm khẳng định các trường hợp HIV dương tính.
Về lý do đề xuất bãi bỏ, theo Bộ Y tế, toàn bộ các nội dung quy định việc phân cấp thẩm quyền cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện xét nghiệm khẳng định các trường hợp HIV dương tính và đình chỉ hoạt động xét nghiệm khẳng định các trường hợp HIV dương tính tại Thông tư số 04/2019/TT-BYT là không còn phù hợp hoặc đã được quy định tại Điều 42, Điều 44, Điều 56, Điều 57 Nghị định số 141/2024/NĐ-CP.
Tại dự thảo, Bộ Y tế cũng đề xuất bãi bỏ một phần 03 văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành gồm:
1- Bãi bỏ điểm a, khoản 1, Điều 1, Điều 3, Điều 4 Thông tư số 06/2012/TT-BYT ngày 20/04/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về điều kiện thành lập và nội dung hoạt động đối với tổ chức tư vấn về phòng, chống HIV/AIDS.
Lý do đề xuất bãi bỏ được Bộ Y tế đưa ra như sau:
Thứ nhất, nội dung quy định điều kiện thành lập đối với tổ chức tư vấn về phòng, chống HIV/AIDS tại Điều 3 và Thông báo hoạt động của tổ chức tư vấn về phòng, chống HIV/AIDS tại Điều 4 của Thông tư số 06/2012/TT-BYT đã được quy định tại Điều 38 Nghị định số 141/2024/NĐ-CP.
Thứ hai, tại Kết luận Thanh tra số 2555/KL-TTCP ngày 06/12/2024 của Thanh tra Chính phủ về trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp tại Bộ Y tế có nêu: "Bộ Y tế chưa đưa việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 06/2012/TT-BYT vào Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ để thực thi sửa đổi, bổ sung 01 thủ tục hành chính" (tại Tiết 2 điểm 1.1.1 Mục 1.1. Việc kiểm soát, loại bỏ hoặc sửa đổi thủ tục hành chính không phù hợp, phiền hà; bổ sung thủ tục hành chính cần thiết). Do vậy, việc bãi bỏ điểm a khoản 1 Điều 1, Điều 3, Điều 4 Thông tư số 06/2012/TT-BYT sẽ thực thi được kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.
Thứ ba, tại Quyết định số 5949/QĐ-BYT ngày 30/12/2021 của Bộ Y tế về việc thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế dự phòng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế có kiến nghị sửa đổi Thông tư số 06/2012/TT-BYT để giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính từ 10 ngày (trong thông tư xuống còn 7 ngày) về Thông báo hoạt động đối với tổ chức tư vấn về phòng, chống HIV/AIDS (mã thủ tục hành chính: 1.000844, Mục 4.5 - Trang 14). Nội dung kiến nghị này đã được quy định đơn giản hóa thủ tục hành chính tại Nghị định số 141/2024/NĐ-CP, theo đó việc Thông báo hoạt động đối với tổ chức tư vấn về phòng, chống HIV/AIDS chỉ còn 05 ngày
2- Bãi bỏ Điều 6, khoản 1 Điều 7 Thông tư số 01/2015/TT-BYT ngày 27/02/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn tư vấn phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế.
Theo Bộ Y tế, lý do đề xuất bãi bỏ trên là:
Thứ nhất, việc quy định "điều kiện tổ chức hoạt động tư vấn về phòng, chống HIV/AIDS" thuộc thẩm quyền của Chính phủ, nội dung này đã được quy định tại khoản 2 Điều 38 Nghị định số 141/2024/NĐ-CP. Để đảm bảo tính thống nhất của các văn bản, đề nghị bãi bỏ Điều 6 Thông tư số 01/2015/TT-BYT ngày 27/02/2015 của Bộ Y tế hướng dẫn tư vấn phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế.
Thứ hai, tại khoản 1 Điều 7 Thông tư số 01/2015/TT-BYT ngày 27/02/2015 của Bộ Y tế hướng dẫn tư vấn phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế, quy định:
"1. Hình thức tư vấn gồm: a) Tư vấn nhóm; b) Tư vấn cặp vợ, chồng hoặc hai người có quan hệ tình dục với nhau; c) Tư vấn cá nhân."
Tuy nhiên, tại khoản 4 Điều 38 Nghị định số 141/2024/NĐ-CP quy định:
"4. Hình thức tư vấn về phòng, chống HIV/AIDS gồm: a) Tư vấn cá nhân; b) Tư vấn nhóm."
Để đảm bảo tính thống nhất của các văn bản, Bộ Y tế đề nghị bãi bỏ khoản 1 Điều 7 Thông tư số 01/2015/TT-BYT ngày 27/02/2015 của Bộ Y tế hướng dẫn tư vấn phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế.
3- Bãi bỏ Điều 4 Thông tư số 28/2018/TT-BYT ngày 26/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế về quy định quản lý điều trị người nhiễm HIV, người phơi nhiễm với HIV tại các cơ sở y tế.
Đề xuất trên nhằm đảm bảo tính thống nhất của các văn bản: Thông tư số 28/2018/TT-BYT; Nghị định số 141/2024/NĐ-CP; Luật Phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi; Thông tư số 20/2022/TT-BYT.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn