Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Y tế cho biết, hiện nay, trên thế giới các nước đã áp dụng các chiến lược quốc gia về đánh giá và công nhận chất lượng bệnh viện, chất lượng khám chữa bệnh bằng việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, bộ tiêu chí chất lượng, thành lập các tổ chức đánh giá và chứng nhận chất lượng bệnh viện công lập hoặc tư nhân.
Tại Việt Nam, ngày 09/01/2023, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2024, trong đó tại Điều 4 nêu rõ ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho hoạt động phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc y tế cơ sở; Mục 2 quy định về nội dung Đánh giá chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo Bộ Y tế, ngày 3/12/2013, Bộ tiêu chí chất lượng Bệnh viện Việt Nam (trong đó có bao gồm 5 tiêu chí về dinh dưỡng và 4 tiêu chí về sản khoa, nhi khoa) đã được Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành thí điểm tại Quyết định số 4858/QĐ-BYT và chính thức áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ 18/11/2016 theo Quyết định 6858/QĐ-BYT. Sau hơn 5 năm nghiêm túc thực hiện, Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam cho tới nay đã đem lại nhiều kết quả tích cực, giúp các bệnh viện có bộ công cụ tự đánh giá, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, cho tới nay Việt Nam chưa có cơ sở pháp lý cho mô hình đánh giá và chứng nhận chất lượng bệnh viện.
Mục đích đánh giá chất lượng bệnh viện nhằm xác định mức chất lượng đạt được; xác định các ưu điểm, nhược điểm và các vấn đề tồn tại; cung cấp bằng chứng cho việc lập kế hoạch cải tiến chất lượng, duy trì và nâng cao chất lượng các hoạt động của bệnh viện; công nhận mức chất lượng đạt được, thông báo công khai với các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội về thực trạng chất lượng của bệnh viện. Việc đánh giá nội bộ và đánh giá của cơ quan quản lý là bắt buộc theo quy định hằng năm của Bộ Y tế. Việc đánh giá của các cơ quan, tổ chức đánh giá cần tuân thủ theo các nguyên tắc: Tính trung thực, khách quan; tính khoa học, đánh giá dựa trên bằng chứng; tính chuyên nghiệp.
Thực hiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 57 và điểm a khoản 6 Điều 120 Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 về việc xây dựng, áp dụng quy định về Tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với bệnh viện từ ngày 01/01/2025, năm 2023, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Thông tư quy định quy định đánh giá và công nhận chất lượng bệnh viện dựa trên cơ sở Bộ tiêu chí chất lượng Bệnh viện Việt Nam (trong đó bao gồm 5 tiêu chí về dinh dưỡng và 4 tiêu chí về sản khoa, nhi khoa) đã được áp dụng tại Việt Nam hơn 10 năm nay, tên gọi tạm thời đề xuất là Thông tư quy định Bộ tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện cơ bản.
Để đảm bảo tính kế thừa, phát huy những ưu điểm của Bộ tiêu chí và tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh viện trong việc triển khai Thông tư trong thời gian tới, hiện Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Bộ tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện cơ bản, trong đó giữ nguyên cấu trúc bao gồm 5 phần (A - Hướng đến người bệnh, B - Phát triển nguồn nhân lực, C - Hoạt động chuyên môn, D - Cải tiến chất lượng, E - Tiêu chí đặc thù chuyên khoa) và 83 tiêu chí, ngoài ra bổ sung thêm một số các tiêu chí khác phù hợp với yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh hiện nay.
Dự thảo Thông tư này sau khi ban hành sẽ là khung pháp lý cho hoạt động đánh giá và chứng nhận chất lượng bệnh viện, làm cơ sở để Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quyết định cấp chứng nhận chất lượng cho các cơ sở y tế, công khai mức chất lượng cho người dân, tạo ra động lực thúc đẩy cải tiến chất lượng tại các bệnh viện.
Theo dự thảo, mỗi tiêu chí gồm tập hợp nhiều tiểu mục. Mỗi tiểu mục "đạt" được tính 1 điểm.
Nguyên tắc đánh giá các tiểu mục được đề xuất như sau: Mỗi một tiểu mục của tiêu chí được đánh giá là "đạt" hoặc "không đạt". Một tiểu mục được đánh giá là "đạt" cần tuân thủ triệt để theo nguyên tắc: "hoặc không, hoặc tất cả". Ví dụ: tiểu mục "Các khoa lâm sàng và cận lâm sàng có đầy đủ bồn rửa tay cho nhân viên y tế" chỉ được xếp là "đạt" nếu toàn bộ các khoa lâm sàng và cận lâm sàng trong toàn bệnh viện đều có bồn rửa tay. Nếu bất kỳ một khoa nào không có bồn rửa tay sẽ đánh giá là "không đạt".
Tiểu mục đạt được chấm 1 điểm. Tiểu mục không đạt 0 điểm. Không áp dụng các mức điểm khác, ví dụ 0,5.
Các tiểu mục cần phỏng vấn ý kiến của nhân viên y tế/người bệnh được đánh giá là đạt nếu phỏng vấn ít nhất 7 người và có từ 5 người trở lên trả lời đồng ý.
Các tiểu mục cần đánh giá bệnh án, hồ sơ… được đánh giá là đạt nếu kiểm tra ngẫu nhiên ít nhất 7 mẫu và có 5 mẫu trở lên đạt yêu cầu.
Bệnh viện được chấm là đạt Bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản nếu: 1- Toàn bộ các tiểu mục bắt buộc đều đạt 1 điểm; 2- Tổng các tiểu mục có gắn dấu * đạt trên 50% tổng số các tiểu mục tùy chọn; 3- Mẫu số các tiểu mục có gắn dấu * là tổng số toàn bộ các tiểu mục được áp dụng với bệnh viện.
Dự thảo nêu rõ, các bệnh viện có trách nhiệm áp dụng Bộ tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện cơ bản tại bệnh viện để xác định thực trạng, khắc phục, cải tiến chất lượng để bảo đảm chất lượng dịch vụ cung cấp cho người bệnh và các đối tượng liên quan.
Bệnh viện tự đánh giá theo Bộ tiêu chuẩn ít nhất một lần trong năm. Thủ trưởng bệnh viện chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác của thông tin, số liệu thống kê, kết quả, thời hạn hoàn thành và chất lượng báo cáo đánh giá theo Bộ tiêu chuẩn.
Các cơ quan quản lý đánh giá chất lượng các bệnh viện trực thuộc theo nguyên tắc quản lý rủi ro ít nhất một lần trong ba năm và báo cáo kết quả về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh).
Các tổ chức độc lập thực hiện đánh giá khi có đề nghị của bệnh viện hoặc cơ quan quản lý.
Việc đánh giá chất lượng được thực hiện vào thời điểm bất kỳ trong năm. Số liệu thống kê thực hiện theo các yêu cầu cụ thể của từng tiêu chí, tiểu mục. Trong trường hợp không quy định rõ về mốc thời gian thống kê thì số liệu được tính trong một năm dương lịch từ 1/1 đến 31/12 hằng năm.
Kết quả đánh giá Bộ tiêu chuẩn có thời hạn trong tối đa 3 năm.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn