Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ TN&MT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình quản lý sinh vật ngoại lai trong tháng 7/2019 |
Tại cuộc họp về tăng cường công tác phối hợp trong quản lý các loài ngoại lai xâm hại do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức chiều 26/6, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, cho đến nay, các Bộ vẫn chưa có báo cáo chính thức về thực trạng, số lượng… để quản lý tôm hùm đỏ nước ngọt cũng như sinh vật ngoại lai xâm hại. Vì vậy, đầu tháng 7, các Bộ phải nhanh chóng hoàn thành báo cáo gửi về Bộ TN&MT để Bộ đại diện báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Cục phó Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường Hoàng Thị Thanh Nhàn cho biết, đối với vụ việc tôm hùm nước ngọt, sau khi tiếp nhận thông tin báo chí, Bộ đã phối hợp với chuyên gia xác định tên khoa học của loài là Procambarus clarkii. Đây không phải là loài tôm càng đỏ (Cherax quadricarinatus) như trong văn bản hỏa tốc số 3438/BNN-TCTS của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bộ đã đưa tin trên trang thông tin điện tử và báo chí để nhận dạng, tác hại, các biện pháp kiểm soát của loài tôm hùm nước ngọt và các chế tài liên quan để các cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân kiểm soát loài này; thực hiện kiểm tra tình hình thực tế kiểm soát loài ngoại lai xâm hại và tôm hùm nước ngọt tại tỉnh Lạng Sơn.
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn cho biết, tính đến tháng 6/2019, không còn ghi nhận các vụ buôn bán, nhập khẩu trái phép loài tôm hùm nước ngọt. Báo cáo của các Sở Tài nguyên và Môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho thấy tại các địa phương, tình hình đã được kiểm soát.
Đối với các loài ngoại lai xâm hại khác, trong số các tỉnh gửi báo cáo về tình hình quản lý loài ngoại lai xâm hại, 67% các tỉnh bước đầu xác định sự có mặt của các loài ngoại lai xâm hại. Trong số này, loài ốc bươu vàng phân bố rộng khắp các tỉnh thành trên cả nước và cây Mai dương được ghi nhận có mặt ở 42/63 tỉnh thành trên cả nước.
Đáng lưu ý là danh mục các loài ngoại lai xâm hại có cá chim trắng toàn thân, cá hoàng đế, cá trê phi là loài nằm trong danh mục loài ngoại lai xâm hại nhưng lại được Bộ NN&PTNT cho phép sản xuất và kinh doanh. Vì vậy, thời gian tới các Bộ, ngành liên quan phải thống nhất lại danh mục các loài ngoại lai xâm hại.
Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, trong thời gian qua, sự phối hợp giữa các Bộ trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến sinh vật ngoại lai xâm hại còn chậm. Vì vậy, Bộ TN&MT mong muốn phối hợp liên ngành trong quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại chặt chẽ hơn nữa. Trong đó, Bộ NN&PTNT cần chỉ đạo tổ chức rà soát, đánh giá danh mục giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản và quy trình khảo nghiệm... xây dựng năng lực và tăng cường công tác kiểm dịch biên giới nhằm kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại nhập khẩu vào Việt Nam... Bên cạnh đó, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) cần chỉ đạo cơ quan hải quan phối hợp cơ quan có thẩm quyền tại cửa khẩu kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm trong việc nhập khẩu loài thuộc danh mục loài ngoại lai xâm hại...
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, sau khi các Bộ, ngành phối hợp đánh giá về những tồn tại, nguyên nhân, hạn chế trong quản lý sinh vật ngoại lai, Bộ TN&MT sẽ tổng hợp những giải pháp toàn diện để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị quản lý phối hợp giữa các Bộ, ngành về vấn đề này. Thời gian tới, sẽ ban hành quy trình quản lý đối với sinh vật ngoại lai xâm hại để tránh tình trạng khi sự việc xảy ra các ban, ngành mới phối hợp giải quyết.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, cần một quy trình phối hợp bài bản dài hơn, theo hướng toàn diện. Danh mục đưa ra phải kèm theo tài liệu để nhận diện, phải chỉ ra những ưu điểm tồn tại, rà soát các quy đinh của pháp luật, mở các lớp nghiệp vụ chuyên môn xác định, nhận diện các loài ngoại lai xâm hại cho các cơ quan liên quan./.
Thu Cúc