Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Để thêm nhiều người dân đăng ký chính chủ
Theo ông Cao Văn Khoa (caokhoa8390@...), do công tác tuyên truyền chưa tốt, cùng với hoàn cảnh và điều kiện của nhiều người dân nên tình trạng không sang tên, đổi chủ xe khi chuyển chủ sở hữu diễn ra khá phổ biến.
Cần có các giải pháp tạo điều kiện cho người dân đăng ký chính chủ |
Với trường hợp xe không chính chủ đang lưu hành hiện nay (khoảng 10 triệu xe), theo ông Khoa, chủ xe hiện tại chỉ việc đến cơ quan công an, trình các giấy tờ liên quan theo quy định (đăng ký gốc, giấy bán, cho, tặng, Chứng minh thư…) và nộp lệ phí để được ghi tên là chủ mới vào giấy. Khi việc hỗ trợ sang tên đổi chủ cho các chủ phương tiện được tạo điều kiện thuận lợi nhất, nhanh nhất thì sẽ có nhiều người dân thực hiện thủ tục này.
“Với cách làm này, cơ quan chức năng có thể quản lý chặt chẽ về phương tiện, phát hiện nhanh khi cần xử lý vi phạm hoặc trường hợp xảy ra tai nạn giao thông, dễ nhận biết những phương tiện bị lấy cắp…”, ông Khoa khẳng định.
Còn ông Nguyễn Văn An (nguyenan77@...) chia sẻ, tại các nước châu Âu, giấy đăng ký xe không phải là giấy tờ sở hữu mà chỉ để cơ quan chức năng quản lý phương tiện, biết thông tin về phương tiện giao thông. Chiếc xe người dân đã mua, dù giấy đăng ký không mang tên người đó thì người đó vẫn là chủ sở hữu.
Các nước này quản lý xe chính chủ bằng Luật giữ xe. Bất kỳ ai đang sở hữu chiếc xe phải đến đăng ký thông tin luật giữ xe (miễn phí 100%) mà không đòi hỏi bất kỳ loại thủ tục hoặc giấy tờ nào. Biển xe được giữ nguyên dù qua nhiều người sở hữu.
Ông An cho rằng, với cách quản lý này vừa thuận tiện cho cơ quan chức năng quản lý, vừa đảm bảo tính pháp lý cho người dân.
Cấp mã số công dân cần tránh xáo trộn cho người dân
Theo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư, đến năm 2020 sẽ đảm bảo mọi công dân đều có mã số định danh cá nhân.
Nhiều ý kiến ủng hộ đề xuất này vì cho rằng, nếu thực thi được sẽ mang lại tiện ích to lớn cho người dân lẫn cơ quan quản lý, nhưng cũng có ý kiến cho rằng cần có cách làm khoa học, tránh những xáo trộn không đáng có.
Theo quan điểm của ông Vũ Hoàng Minh (vuhoangminh@...), để tránh tình trạng lãng phí cũng như tránh việc người dân gặp rắc rối với những giấy tờ liên quan đến số CMND đã được cấp trước đó, nên giữ nguyên số CMND làm mã số định danh.
Ông Minh nghĩ nên giao cho Bộ Tư pháp là cơ quan quản lý hộ tịch đứng ra chủ trì, cùng Bộ Công an tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu, làm cơ sở cấp mã số công dân cho những người đã có số CMND (công dân 14 tuổi trở lên) và những người chưa được cấp CMND (mới sinh, dưới 14 tuổi, hoặc chưa làm CMND).
“Những người chưa có CMND sau này được cấp CMND thì số CMND sẽ là mã số công dân, còn những người đã được cấp CMND rồi thì số CMND cũ vẫn có giá trị sử dụng, khi nào đổi CMND mới thì trên CMND mới sẽ có 2 số: mã số công dân và số CMND cũ. Như vậy thì những giấy tờ liên quan đến số CMND cũ khi thay đổi CMND mới sẽ không bị ảnh hưởng”, ông Minh góp ý.
Bà Trần Thị Ngọc (tranngoc68@...) thì thấy rằng, việc sử dụng mã số định danh hay mã số cá nhân là việc làm cần thiết và khoa học nhằm quản lý về dân số, hành chính, thuế… Tuy nhiên, bà Ngọc cho rằng, mã số định danh không nên đơn thuần chỉ là những con số mà nó cần bao hàm cả giới tính, ngày tháng năm sinh.
Bà Ngọc đề xuất, mã số định danh nên gồm 2 nhóm YYMMDD-xxxxxxxx. YYMMDD thể hiện ngày tháng năm sinh, xxxxxxxx là mã số. Bà Ngọc nghĩ rằng, với cách sử dụng mã số định danh như trên sẽ đảm bảo tránh tình trạng trùng lặp mã số do số người sinh cùng ngày, cùng năm, cùng tháng là không nhiều.
Công chứng giao dịch bất động sản có nên bắt buộc?
Đề xuất hủy bỏ quy định bắt buộc công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản và đổi thành “… thực hiện theo nhu cầu của các bên” nêu trong dự thảo Luật Đất đai đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau.
Ông Pham Văn Yên (ynphm125@...) chia sẻ, để có được hồ sơ công chứng về các giao dịch liên quan đến bất động sản mất rất nhiều thời gian, công sức. Trong khi đó, không phải giao dịch nào cũng đòi hỏi phải có công chứng, nhất là việc tự thoả thuận phân chia di sản không di chúc giữa những người ruột thịt trong gia đình.
Theo ông Yên, với những thoả thuận phân chia nêu trên, sự đồng thuận giữa những người hưởng thừa kế, cùng ký vào văn bản thoả thuận, có người làm chứng là đủ. Việc bắt buộc công chứng với trường hợp này sẽ nảy sinh rất nhiều phiền hà, rắc rối như về giấy tờ (chẳng hạn giấy khai sinh của tất cả mọi người trong gia đình, kể cả người 70 – 80 tuổi).
Bên cạnh đó, nhiều gia đình khi phân chia tài sản thường bỏ qua công chứng. Điều này đã dẫn đến khi xảy ra bội ước giữa các thành viên, khi ra Tòa, có Tòa xử “vô hiệu”, có Tòa thì xử có “hiệu lực ”, khiến nảy sinh nhiều tiêu cực. Do đó, ông Yên khẳng định, nếu những thỏa thuận như trên không phải công chứng bắt buộc thì ngay sau khi các bên đặt bút ký vào cam kết, sẽ không xảy ra tranh chấp sau đó.
Đồng quan điểm này, ông Vũ Mạnh Cường (balo242166@...) cho rằng, việc bớt đi thủ tục hành chính này còn giúp giảm bớt tình trạng đội ngũ “cò” hoạt động tại các Văn phòng công chứng hiện nay. “Khi tham gia giao dịch bất động sản, nếu bên nào cảm thấy còn băn khoăn, chưa tin tưởng thì yêu cầu công chứng, luật không cấm; ngược lại khi các bên thấy không có vướng mắc gì thì thôi. Nên để cho người dân được lựa chọn cách tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của họ”, ông Cường bày tỏ.
Còn bà Trịnh Ngọc Trinh, cán bộ một Sở Tư pháp thì giữ quan điểm, công chứng sẽ giúp bảo đảm tính hợp pháp của nội dung các giao dịch. Việc công chứng sẽ giúp cho các bên hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình trong giao dịch về quyền sử dụng đất qua việc tư vấn, giải thích của các công chứng viên; đặc biệt góp phần đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ về thuế, tài chính đối với nhà nước và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Phòng Thông tin phản ánh của tổ chức, công dân