Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp hồi phục hồi các "dòng sông chết" như thế nào khi mà không thể sử dụng nước sông vào bất cứ việc gì, nhất là sông Bắc Hưng Hải.
Theo Bộ trưởng Quốc Khánh, trong Luật Tài nguyên nước có nội dung về phục hồi các dòng sông ô nhiễm. Hiện nay, sông Bắc Hưng Hải, sông Đáy, sông Cầu ô nhiễm rất nặng. "Sông chết nghĩa là vừa ô nhiễm vừa không có dòng chảy. Các sông nói trên ô nhiễm nặng chứ không phải dòng sông chết", ông Khánh nói.
Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương "đã tích cực nhưng chưa cải tạo được bao nhiêu các dòng sông ô nhiễm". Nguyên nhân chính là do các khu công nghiệp liên tục xả thải ra các dòng sông này; các đô thị lớn như Hà Nội cũng xả nước thải vào Bắc Hưng Hải, sông Đáy.
Khi Luật Quản lý tài nguyên nước sửa đổi có hiệu lực từ 1/7, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đề xuất với Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban Quản lý lưu vực sông để gắn trách nhiệm chung của các tỉnh, các bộ ngành.
"Đề nghị các địa phương chung tay xử lý nước thải đồng bộ và xử lý dòng chảy lưu thông", Bộ trưởng Khánh nhấn mạnh.
Đại biểu Đoàn Thị Hảo (đoàn Thái Nguyên) cho biết hiện cả nước có 40.200 công trình khai thác sử dụng nước, hơn 6.750 hồ thủy lợi, phần lớn xây dựng từ những năm 1970 đến 1980, trong điều kiện kinh phí, trình độ hạn chế, thiết kế thi công chưa phù hợp. Các công trình sau đó không có hồ sơ, thiếu kinh phí bảo trì nên xuống cấp nghiêm trọng. "Thời gian tới Bộ trưởng và ngành có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên?", đại biểu đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Khánh cho hay, trong số 6.750 hồ thủy lợi có hơn 1.000 hồ xây đã lâu, nguy cơ mất an toàn hồ đập rất lớn nên phải dành nguồn lực, thời gian để cải tạo. "Mất an toàn các đập thủy điện là rất nguy hiểm, nhưng khu vực nắng nóng như miền Trung mà không có các hồ sẽ hạn hán ngay. Vì vậy cải tạo hồ đập cũng phải đảm bảo tích trữ nguồn nước, an ninh nguồn nước", ông Khánh nhấn mạnh.
Theo đó, thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đưa ra các kịch bản đảm bảo an ninh nguồn nước.
Đại biểu Quàng Thị Nguyệt (Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội) cho rằng, đầu tư xây dựng công trình tích trữ nước là giải pháp ưu tiên để đảm bảo phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế xã hội. Bà đề nghị Bộ trưởng cho biết việc thu hút đầu tư xây dựng các công trình tích trữ nước thời gian tới?
Bộ trưởng Khánh cho biết hồ thủy lợi, thủy điện đã được thực hiện hiệu quả thông qua xã hội hóa. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát các khu vực cần bổ sung, hoặc đủ điều kiện xây dựng các hồ đập và kênh mương thủy lợi. Theo Bộ trưởng Khánh, Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng các hồ thủy lợi đa mục đích như vừa làm thủy điện vừa tích trữ nước cho sản xuất. Bộ sẽ có các kịch bản nguồn nước để quản lý lưu vực của sông và thúc đẩy xã hội hóa các hồ thủy điện, thủy lợi, đảm bảo hiệu quả nhất.
"Địa phương có thể thực hiện hồ thủy điện theo hình thức xã hội hóa sẽ tiếp tục thực hiện nhưng phải đánh giá tổng thể, tích trữ nước nhưng phải đảm bảo được môi trường, không ảnh hưởng đến rừng, hệ sinh thái và môi trường tự nhiên", Bộ trưởng cho biết.
Lê Sơn