Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Việc phải thực hiện đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng làm kéo dài thời gian triển khai thực hiện dự án
Bộ Xây dựng vừa có dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi toàn quốc (Dự thảo - PV). Dự kiến, sau khi trình Quốc hội và được chấp thuận, Nghị quyết này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2025 và được thực hiện trong 5 năm.
Liên quan đến tình hình triển khai nhà ở xã hội trên cả nước, Bộ Xây dựng đánh giá, kết quả hiện tại đã đạt được "vẫn còn rất thấp". Theo đó, từ năm 2021 đến nay, cả nước mới triển khai được 679 dự án với khoảng 623.000 căn; trong đó mới hoàn thành 108 dự án với khoảng 73.000 căn, đạt khoảng 15%. Riêng năm 2025, mục tiêu là 100.000 căn nhưng đến nay mới hoàn thành 15.600 căn, khởi công thêm gần 20.000 căn, đạt khoảng 44%.
Nguyên nhân chính khiến tiến độ chậm là do vướng mắc ở cơ chế, thể chế, chính sách và quy trình, thủ tục triển khai. Do đó, Bộ Xây dựng đã báo cáo, đề xuất Chính phủ xin cơ chế chính sách tháo gỡ những khó khăn cho nhà đầu tư được tham gia xây dựng nhà ở xã hội.
Theo bà Tống Thị Hạnh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) sở dĩ kết quả thực hiện Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội triển khai chưa đạt kết quả tốt bởi chưa có Quỹ nhà ở quốc gia hoặc mô hình định chế tài chính phù hợp để hỗ trợ nguồn lực tài chính cho các địa phương, doanh nghiệp triển khai các dự án nhà ở xã hội đảm bảo dài hạn, bền vững
Mặc dù Luật Nhà ở năm 2023 đã có quy định về việc sử dụng nguồn vốn từ các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách khác để phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, các quỹ tài chính ngoài ngân sách đang hoạt động hiện nay đều thực hiện nhiều chức năng….và việc đầu tư hoặc hỗ trợ cho phát triển nhà ở xã hội không phải là lĩnh vực ưu tiên trong hoạt động của các quỹ này.
Do đó, cần thiết phải thành lập Quỹ nhà ở quốc gia để đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê.
Bên cạnh đó, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không sử dụng vốn đầu tư công còn phức tạp, kéo dài. Theo ước tính, trong trường hợp dự án đã có quy hoạch, chương trình, kế hoạch thì thời gian để thực hiện đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư theo pháp luật về đấu thầu (sau khi đã chấp thuận chủ trương đầu tư) là khoảng gần 300 ngày.
Cục Quản lý nhà cho rằng: Cần thiết có quy định về giao chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không thông qua đấu thầu. Thủ tục này dự kiến mất khoảng tối đa 75 ngày, cắt giảm được khoảng 200 ngày, tương ứng khoảng 70% thời gian thực hiện so với quy định hiện hành.
Một bất cập nữa được bà Hạnh nêu đó là hiện nay, dự án nhà ở xã hội phải thực hiện lần lượt thủ tục: Lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết; lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết. Nhằm rút ngắn thời gian triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, cần thiết bỏ bước lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết; cắt giảm được 65 ngày so với quy trình hiện hành (bằng 100%).
Theo quy định của pháp luật về xây dựng thì đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải thực hiện việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi tại cơ quan chuyên môn về xây dựng trong khi có thể xem xét, lồng ghép nội dung thẩm định này trong quá trình cấp giấy phép xây dựng. Do đó, cần thiết bỏ thủ tục thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi của cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện, cắt giảm được từ 15 - 35 ngày so với quy định hiện hành (100%).
Việc phải thực hiện đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng làm kéo dài thời gian triển khai thực hiện dự án. Trong khi đó, nếu thực hiện chỉ định thầu rút gọn thì chỉ mất khoảng 15 ngày và cắt giảm được từ 45 - 105 ngày so với quy định hiện hành (75-90%). Bộ Xây dựng tiếp tục đề xuất việc lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu rút gọn theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Pháp luật về nhà ở chưa cho phép các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được thuê nhà ở xã hội cho người lao động của mình để ở. Ngoài ra, thực hiện công tác sắp xếp, sáp nhập các tỉnh, thành, tổ chức chính quyền hai cấp, dẫn đến thực tế nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải đi làm xa nơi ở của mình.
Bộ Xây dựng đề nghị cần thiết có chính sách cho phép doanh nghiệp, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được thuê nhà ở xã hội để cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của mình ở, yên tâm làm việc.
Tại Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi toàn quốc, Bộ Xây dựng đề nghị Quỹ Nhà ở quốc gia là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được thành lập ở Trung ương và địa phương.
Quỹ được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước cấp, tiếp nhận nguồn hỗ trợ tự nguyện, nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn thu từ việc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở, nguồn từ bán nhà ở thuộc tài sản công và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Quỹ để đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị các dự án nhà ở xã hội không sử dụng vốn đầu tư công thực hiện giao chủ đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư không cần thông qua đấu thầu. UBND cấp tỉnh giao chủ đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Thủ tục giao chủ đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân thay thế thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật có liên quan. Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư là căn cứ giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Đối với nhóm các thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề xuất bỏ thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng.
Trường hợp công trình nhà ở xã hội thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được đề xuất áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố thì được miễn giấy phép xây dựng.
Việc lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng để thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, công trình nhà ở xã hội bằng nguồn vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn, vốn của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu rút gọn theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Điều kiện về nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sắp xếp lại, Bộ Xây dựng đề nghị căn cứ vào phạm vi đơn vị hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án trước thời điểm sắp xếp lại để xác định điều kiện về nhà ở đối với đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở.
Trường hợp đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở có địa điểm làm việc cách xa nơi có nhà ở thuộc sở hữu của mình thì điều kiện về nhà ở để được mua, thuê mua nhà ở xã hội gần địa điểm làm việc là chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, trường hợp có nhà ở thuộc sở hữu của mình thì khoảng cách ngắn nhất từ nơi có nhà ở thuộc sở hữu của mình đến địa điểm làm việc phải từ 30 km trở lên.
Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được thuê nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp để bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của mình ở.
Doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp được thuê nhà lưu trú công nhân cho người lao động của mình ở.
Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thuê nhà ở xã hội được hạch toán chi phí thuê nhà ở xã hội vào chi phí sản xuất kinh doanh, khoản chi sự nghiệp thường xuyên hoặc chi hợp pháp khác, nhưng không được sử dụng ngân sách nhà nước để thanh toán tiền thuê nhà ở xã hội.
Cơ quan hành chính nhà nước thuê nhà ở xã hội được bố trí ngân sách để thực hiện khi có dự toán được cấp có thẩm phê duyệt.
Phan Trang