Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Cụ thể, tổ chức, cá nhân có đủ các điều kiện sau đây thì được cấp giấy phép sử dụng chất phóng xạ: Được thành lập theo quy định của pháp luật đối với tổ chức. Có đủ năng lực hành vi dân sự đối với cá nhân.
Thêm vào đó, phải có nhân lực phù hợp. Cụ thể, nhân viên bức xạ có chuyên môn phù hợp và có chứng nhận đào tạo an toàn bức xạ; có người phụ trách an toàn. Người phụ trách an toàn phải có chứng chỉ nhân viên bức xạ. Đối với cơ sở y học hạt nhân: Có người được đào tạo về vật lý y khoa.
Đồng thời, có các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh như: Bảo đảm mức liều bức xạ đối với nhân viên bức xạ và công chúng không vượt quá giới hạn theo quy định; thiết lập khu vực kiểm soát và khu vực giám sát theo quy định; có dấu hiệu cảnh báo bức xạ tại khu vực kiểm soát, khu vực giám sát theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8092:2009 (ISO 7010:2003) về An toàn bức xạ - Cảnh báo bức xạ ion hóa - Dấu hiệu bức xạ ion hóa cơ bản; có nội quy an toàn bức xạ phù hợp với công việc bức xạ, gồm có quy định về: tuân thủ quy trình làm việc và chỉ dẫn an toàn; đo liều cá nhân; việc sử dụng các trang thiết bị bảo hộ cá nhân, thiết bị kiểm tra bức xạ và liều kế cá nhân; trách nhiệm thông báo khi có hiện tượng bất thường có thể gây mất an toàn bức xạ. Trang bị liều kế cá nhân và tổ chức đánh giá liều chiếu xạ cá nhân cho nhân viên bức xạ ít nhất 1 lần trong 3 tháng.
Đối với trường hợp sử dụng nguồn phóng xạ hở trong y học hạt nhân, ngoài đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn, an ninh quy định tại các điểm trên, còn phải: Có hệ thống chống nhiễm bẩn phóng xạ không khí; sử dụng vật liệu dễ tẩy xạ cho tường, sàn nhà và các bề mặt làm việc dễ nhiễm bẩn phóng xạ; có thiết bị đo suất liều, đo nhiễm bẩn phóng xạ; trang bị quần áo bảo hộ, găng tay, giầy hoặc bao chân, mũ trùm đầu, khẩu trang cho nhân viên làm công việc bức xạ có khả năng gây nhiễm bẩn phóng xạ; đối với khu vực kiểm soát có khả năng gây nhiễm bẩn phóng xạ: phải bố trí nơi tẩy xạ cho nhân viên; bàn để pha chế, phân liều thuốc phóng xạ có màn che chắn chì kết hợp với vật liệu che chắn bức xạ beta và màn quan sát bằng kính chì. Bên cạnh đó, bình đựng thuốc phóng xạ có che chắn chì và lớp vỏ bên ngoài chống vỡ; khay được thiết kế đặc biệt để pha chế, phân liều thuốc phóng xạ dạng lỏng; xilanh có che chắn chì được thiết kế đặc biệt để sử dụng trong y học hạt nhân; có phòng bảo quản, làm việc với thuốc phóng xạ (phân liều), phòng cho người bệnh uống hoặc tiêm thuốc phóng xạ, phòng lưu giữ chất thải phóng xạ, phòng vệ sinh riêng cho người bệnh đã dùng thuốc phóng xạ, phòng lưu người bệnh nếu có điều trị người bệnh cường giáp hoặc ung thư tuyến giáp.
Ngoài ra, trong trường hợp sử dụng nguồn phóng xạ kín phải trang bị kẹp gắp nguồn; đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ tương ứng với chất phóng xạ theo quy định; có kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ cấp cơ sở theo quy định. Đối với nguồn phóng xạ nhóm 1, nhóm 2 theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 6:2010/BKHCN “An toàn bức xạ - phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ”: Kế hoạch ứng phó sự cố phải được phê duyệt theo quy định.
Đối với công việc bức xạ có phát sinh chất thải phóng xạ phải có thùng thu gom, lưu giữ tạm thời chất thải phóng xạ rắn tại khu vực sử dụng chất phóng xạ; thùng phải có nắp đậy, đóng mở bằng bàn đạp chân, được thiết kế che chắn thích hợp để bảo vệ chống chiếu ngoài cho nhân viên bức xạ và có dấu hiệu cảnh báo bức xạ dán bên ngoài. Bên cạnh đó, phải có kho lưu giữ chất thải phóng xạ rắn phát sinh trong quá trình sử dụng chất phóng xạ; có hệ thống thu gom và bể lưu giữ chất thải phóng xạ lỏng phát sinh trong quá trình sử dụng chất phóng xạ; kho lưu giữ chất thải phóng xạ rắn và bể lưu giữ chất thải phóng xạ lỏng phải được thiết kế phù hợp với lượng chất thải phóng xạ cần thu gom, thời gian lưu giữ dự kiến và bảo đảm an toàn bức xạ.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.