Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa hiện đã được quy định tại Điều 10 Nghị định 21/2005/NĐ-CP.
Để đáp ứng tình hình thực tiễn, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, Bộ Giao thông vận tải đã soạn thảo dự thảo gồm 4 chương, 15 điều trong đó dành riêng 1 chương quy định về điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa.
Tại dự thảo, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ rõ điều kiện chung để kinh doanh vận tải đường thủy nội địa là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (tổ chức, cá nhân) vận tải thủy nội địa phải đăng ký kinh doanh vận tải đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật.
Theo dự thảo, phương tiện vận tải phải được cấp giấy chứng nhận kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và còn hiệu lực sử dụng; có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa. Đồng thời, bảo đảm niên hạn sử dụng của phương tiện theo quy định và phù hợp với hình thức kinh doanh.
Phương tiện phải thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải (đối với phương tiện thuê tài chính của tổ chức cho thuê tài chính, phương tiện thuê của pháp nhân có chức năng cho thuê tài sản) theo quy định của pháp luật.
Trường hợp phương tiện đăng ký thuộc sở hữu của xã viên hợp tác xã phải có hợp đồng dịch vụ giữa xã viên hoặc thành viên và hợp tác xã, trong đó quy định về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành của hợp tác xã đối với phương tiện thuộc sở hữu của xã viên hoặc thành viên hợp tác xã.
Cũng theo dự thảo, thuyền viên, người lái phương tiện không phải là người đang trong thời gian bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật; trong độ tuổi làm việc theo quy định của pháp luật; thuyền viên phải bảo đảm định biên theo quy định của pháp luật.
Dự thảo nêu rõ, thuyền viên, người lái phương tiện phải có Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với từng chức danh đảm nhiệm và loại phương tiện đang làm việc; giấy chứng nhận kiểm tra sức khỏe định kỳ theo quy định của Bộ Y tế.
Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với hành khách
Đặc biệt, dự thảo yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách có trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện đối với hành khách và người thứ ba; tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hàng hoá bằng phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 sức ngựa phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho người thứ ba.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu rõ điều kiện kinh doanh vận tải hành khách đường thủy nội địa theo tuyến cố định và không theo tuyến cố định; điều kiện kinh doanh vận tải hành khách ngang sông; điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa qua biên giới Việt Nam. Đồng thời chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải đường thủy nội địa.
Tháng 5 vừa qua, tại văn bản 3298/VPCP-KTN, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan tổ chức rà soát, hoàn thiện các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng đường thủy nội địa, bao gồm cả vận tải hành khách bằng tàu cao tốc cánh ngầm sau khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa, trình Chính phủ xem xét, quyết định. |
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn