Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Dự thảo Thông tư này hướng dẫn một số nội dung về cơ chế quản lý tài chính; đánh giá hiệu quả hoạt động, xếp loại; phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản cho vay chịu rủi ro và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro cho vay của Quỹ Hỗ trợ nông dân quy định tại Nghị định số 37/2023/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Theo dự thảo, việc đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng, khấu hao, thuê, cho thuê, thế chấp, cầm cố, thanh lý, nhượng bán, kiểm kê, đánh giá lại tài sản cố định (ngoài trụ sở làm việc và các tài sản cố định khác đã được Hội Nông dân bố trí) của Quỹ áp dụng theo quy định của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Đối với các nội dung liên quan đến thẩm quyền quyết định của đại diện chủ sở hữu áp dụng đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thì Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân báo cáo Ban Thường vụ Hội nông dân cùng cấp xem xét phê duyệt.
Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp có trách nhiệm xây dựng và trình Hội đồng quản lý Quỹ cùng cấp ban hành Quy chế quản lý hoạt động đầu tư, mua sắm và quản lý tài sản cố định để triển khai thực hiện
Thu nhập của Quỹ là khoản phải thu phát sinh trong kỳ, bao gồm:
Thu từ hoạt động nghiệp vụ: Thu lãi cho vay; Thu từ dịch vụ nhận ủy thác cho vay; Các khoản thu khác từ hoạt động nghiệp vụ.
Thu từ hoạt động tài chính: Thu lãi tiền gửi; Thu từ chênh lệch tỷ giá (nếu có); Thu từ hoạt động tài chính khác.
Các khoản thu khác như: Thu từ nhượng bán, thanh lý tài sản; Thu từ hoạt động cho thuê tài sản; Chênh lệch các khoản thu bảo hiểm được bồi thường đền bù tổn thất tài sản sau khi thực hiện bù đắp tổn thất; Thu nợ đã xóa thu hồi được; Thu từ nợ đã chuyển ngoại bảng/xuất toán; Thu hoàn nhập dự phòng; Thu tiền phạt vi phạm hợp đồng kinh tế; Các khoản thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Dự thảo cũng nêu rõ về nguyên tắc ghi nhận thu nhập. Theo đó, các khoản thu của Quỹ Hỗ trợ nông dân phải được xác định phù hợp với chuẩn mực kế toán Việt Nam và các quy định của pháp luật có liên quan, có đầy đủ hóa đơn hoặc chứng từ hợp lý, hợp lệ và phải được hạch toán đầy đủ vào thu nhập của Quỹ.
Đối với thu lãi từ hoạt động cho vay, Quỹ Hỗ trợ nông dân có trách nhiệm đánh giá khả năng thu hồi nợ và thực hiện phân loại nợ theo đúng quy định của pháp luật để làm căn cứ hạch toán lãi phải thu và thực hiện hạch toán như sau: a) Quỹ hạch toán số lãi phải thu phát sinh trong kỳ vào thu nhập đối với các khoản nợ được phân loại là nợ đủ tiêu chuẩn không phải trích dự phòng rủi ro cụ thể theo quy định của pháp luật. b) Đối với số lãi phải thu của các khoản nợ được giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn do thực hiện chính sách của Nhà nước và số lãi phải thu phát sinh trong kỳ của khoản nợ còn lại thì không hạch toán thu nhập, Quỹ thực hiện theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu, khi thu được thì hạch toán vào thu nhập.
Đối với thu lãi tiền gửi: là số lãi phải thu từ tiền gửi phát sinh trong kỳ.
Đối với các khoản phải thu đã hạch toán vào thu nhập nhưng sau đó được đánh giá không thu được hoặc đến kỳ hạn thu không thu được thì hạch toán giảm thu nhập nếu cùng kỳ kế toán, hạch toán vào chi phí nếu khác kỳ kế toán và theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu. Khi thu được thì Quỹ hạch toán vào thu nhập.
Đối với các khoản thu từ hoạt động khác, thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Việc xác định doanh thu của Quỹ cho mục đích tính thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Khánh Linh