Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo trước Quốc hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Hệ thống chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai đô thị được ban hành khá đầy đủ, cụ thể hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, tinh thần Hiến pháp 2013, bám sát thực tiễn phát triển của đất nước, các thông lệ quốc tế, hình thành cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy khơi thông nguồn lực xã hội, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp đang đầu tư phát triển các khu đô thị.
Việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai đô thị từng bước đi vào nề nếp. Quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất đã góp phần định hình sự phát triển các đô thị. Công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư đã được các địa phương thực hiện khá tốt.
Chính sách tài chính về đất đai đã đóng góp nguồn thu quan trọng cho ngân sách Nhà nước. Các đô thị phát triển nhanh, diện mạo đô thị thay đổi rõ rệt ngày càng hiện đại, hình thành không gian sống tốt hơn cho người dân. Cơ sở hạ tầng cơ bản được bảo đảm, góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội phát triển sôi động, chính sách an sinh xã hội được thực hiện đồng bộ với chính sách phát triển đô thị. Bên cạnh các khu đô thị mới văn minh, hiện đại, các đô thị đã quan tâm bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng nhấn mạnh, công tác ban hành, thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai đô thị vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Cụ thể, việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị còn bất cập, hạn chế; chất lượng một số phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đồ án quy hoạch đô thị chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế và giải quyết kịp thời các vấn đề nổi cộm trong quản lý và phát triển đô thị; việc tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư về lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị tại một số địa phương còn hạn chế, chưa thực chất.
Một số dự án đầu tư có sử dụng đất đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng gây nên tình trạng lãng phí, đất đai để hoang hóa. Chưa có chính sách hữu hiệu để hạn chế, xử lý tình trạng đầu cơ đất đai, ở một số nơi có hiện tượng đẩy giá đất tăng đột biến trong thời gian ngắn đã ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, gây khó khăn trong công tác quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô. Việc xác định giá đất cụ thể trong một số trường hợp còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời tiến độ thu tiền sử dụng đất, thuê đất, tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Trong thời gian vừa qua, một số dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (dự án BT), việc triển khai các dự án thanh toán bằng quỹ đất còn bất cập trong xác định quỹ đất được sử dụng để thanh toán. Hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu, việc thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất đã giải phóng mặt bằng mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất là chưa phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai, tạo kẽ hở dẫn đến thất thoát ngân sách Nhà nước.
Ở một số đô thị, công tác quản lý thực hiện theo quy hoạch đô thị được duyệt chưa được kiểm soát chặt chẽ, dẫn tới việc triển khai vượt quá các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, gây lãng phí đất đai và nguồn lực xã hội; quy hoạch đô thị chưa đồng bộ với các quy hoạch hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội và cảnh quan môi trường, thiếu tính kết nối giữa các đô thị đã làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và nhu cầu của người dân đô thị; còn có tình trạng xây dựng không tuân thủ quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc.
Báo cáo cũng nêu lên các đề xuất, kiến nghị cụ thể. Theo đó, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai tại đô thị trên cơ sở kết quả giám sát.
Tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, định hướng Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới.
Xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013. Tăng cường giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội đối với công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai góp phần phát hiện, kiến nghị, xử lý các tồn tại, vi phạm pháp luật về đất đai tại đô thị. Giao Kiểm toán Nhà nước xây dựng chương trình kiểm toán hàng năm, tăng cường bố trí kế hoạch kiểm toán các nội dung có liên quan đến hoạt động quy hoạch, quản lý và sử đụng đất đai đô thị.
Đối với Chính phủ, Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khắc phục các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch đô thị; làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và có biện pháp xử lý cụ thể và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020).
Khẩn trương tiến hành tổng kết và báo cáo việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và các luật có liên quan; sửa đổi, bổ sung các nghị định hướng dẫn thi hành chi tiết Luật Đất đai và các luật liên quan còn vướng mắc, bất cập. Nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách để quản lý chặt chẽ nghiêm cấm người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài.
Đẩy nhanh việc ban hành Nghị định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT.
Xây dựng quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 cấp quốc gia trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 11 (tháng 3/2021). Trình cấp có thẩm quyền giải quyết vấn đề chưa thống nhất liên quan đến địa giới hành chính liên quan đến một số địa phương.
Đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, hồ sơ địa chính theo mô hình hiện đại, tập trung thống nhất mang tính tích hợp. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công khai, minh bạch công tác giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế- xã hội thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các công cụ tài chính kinh tế đất, phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai. Nghiên cứu hình thành cơ quan tham mưu xây dựng giá đất và cơ quan thẩm định giá đất là hai cơ quan độc lập, mở rộng thành phần thẩm định giá đất theo hướng có sự tham gia của đại diện Hội đồng nhân dân các cấp.
Tiếp tục thực hiện lộ trình di dời các trụ sở các bộ ngành, cơ sở giáo dục, đào tạo, cơ sở sản xuất công nghiệp ra ngoài trung tâm các đô thị. Việc xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp trong cổ phần hóa phải tuân thủ quy định pháp luật về đất đai. Doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải bảo đảm thực hiện phương án sử đụng đất được phê duyệt trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp.
Chỉ đạo các địa phương kiên quyết không cấp phép xây dựng công trình nhà ở cao tầng tại trung tâm các đô thị khi chưa hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xã hội của khu vực dự án theo quy hoạch được phê duyệt. Đối với đất sử dụng cho dự án du lịch, tâm linh, cần rà soát có quy hoạch cụ thể, tính toán giao quỹ đất phù hợp trên nguyên tắc tiết kiệm, tránh lãng phí tài nguyên đất; đồng thời bảo đảm hiệu quả kinh tế.
Sau nghe báo cáo, Quốc hội dành cả ngày 27/5 để thảo luận về nội dung này./.
Nguyễn Hoàng