Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hỗ trợ đặc thù và ưu đãi phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh của khu vực Tây Nguyên thì các tổ chức, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cộng đồng, tổ hợp tác, hộ gia đình và cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực sau sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ đặc thù và ưu đãi: Đầu tư sản xuất, chế biến các sản phẩm áp dụng công nghệ mới phù hợp với địa phương hoặc công nghệ thích hợp, công nghệ sinh học gồm: rau, hoa, củ, quả, hạt, gia súc, gia cầm, thủy sản, gỗ rừng trồng, dược liệu; phát triển vùng, tiểu vùng hoặc khu vực chăn nuôi tập trung liên kết với thị trường tiêu thụ, cơ sở giết mổ, chế biến tập trung; trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; du lịch sinh thái; giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
Các đối tượng đầu tư sản xuất, kinh doanh các lĩnh vực trên sẽ được hưởng các ưu đãi theo đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư, đề án của UBND tỉnh cấp gồm:
1- Được hưởng ưu đãi áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
2- Được hưởng các chính sách ưu đãi về vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy định hoặc được hỗ trợ tối đa 50% lãi suất tiền vay nhưng không quá 6%/năm tính trên số tiền vay thực tế giải ngân khi vay vốn tại ngân hàng thương mại để đầu tư; thời gian hỗ trợ tối đa không quá 7 năm tính từ ngày giải ngân lần đầu; thời gian kết thúc hỗ trợ lãi suất tiền vay chậm nhất ngày 31/12/2020.
3- Cộng đồng, tổ hợp tác, hộ gia đình và cá nhân nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên và rừng sản xuất có trữ lượng giàu, trung bình nhưng đóng cửa rừng) được hưởng tiền khoán chăm sóc, bảo vệ rừng tối đa bằng 30% mức lương tối thiểu/ha/năm.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các đối tượng trên nếu đồng thời thuộc đối tượng áp dụng của các chính sách cùng loại quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác thì chỉ được hưởng một mức cao nhất của chính sách đó.
1.300 tỷ đồng vốn đầu tư hỗ trợ hàng năm
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất một số cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù khác cho vùng Tây Nguyên như: Hỗ trợ tối đa 100% vốn đầu tư từ ngân sách trung ương đối với các dự án do địa phương quản lý được hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách trung ương đầu tư theo mục tiêu (bao gồm cả các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cấp xã và dưới xã do cộng đồng tại chỗ đề xuất và tự thực hiện để phục vụ đời sống, sản xuất, tạm trữ, chế biến, tiêu thụ nông sản, trên cơ sở đề xuất của cộng đồng từng thôn, buôn hàng năm, UBND xã họp bàn với đại diện các thôn, buôn để xác định thứ tự ưu tiên từ đó xây dựng kế hoạch trình UBND huyện quyết định).
Bên cạnh đó, hỗ trợ 100% vốn đầu tư từ ngân sách trung ương đối với phần vốn đối ứng các dự án ODA do địa phương quản lý đáp ứng điều kiện hỗ trợ của Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi, thay thế Quyết định này.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời hạn thanh toán vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước (bao gồm cả vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ) được bố trí trong năm kế hoạch chậm nhất trước ngày 30/6 của năm tiếp theo.
Hàng năm Trung ương bố trí không thấp hơn 1.300 tỷ đồng vốn đầu tư hỗ trợ theo mục tiêu từ ngân sách trung ương nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách và ưu đãi đặc thù.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Bảo Lâm