Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo Bộ Xây dựng, hiện nay, Luật Nhà ở 2023 đã được Quốc hội ban hành và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025. Do đó, cần thiết phải sửa đổi bổ sung Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở 2014 để bảo đảm phù hợp với một số nội dung mới được bổ sung, sửa đổi trong Luật Nhà ở 2023, đồng thời cũng sửa đổi, bổ sung một số nội dung hiện hành để phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm tạo cơ sở pháp lý cho địa phương cũng như các tổ chức, cá nhân khi thực hiện việc quản lý, phát triển nhà ở (Nghị định này sẽ thay thế Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ).
Dự thảo Nghị định đề xuất cụ thể về giấy tờ chứng minh đối tượng là tổ chức được sở hữu nhà ở như sau:
Đối với tổ chức trong nước thì phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy phép thành lập do cơ quan có thẩm quyền cấp;
Đối với tổ chức nước ngoài thì phải có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép hoạt động tại Việt Nam còn hiệu lực tại thời điểm ký kết các giao dịch về nhà ở (Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư).
Giấy tờ chứng minh đối tượng là cá nhân được sở hữu nhà ở bao gồm:
Đối với cá nhân trong nước thì phải có giấy tờ xác định nhân thân theo quy định của pháp luật về căn cước công dân;
Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn quốc tịch Việt Nam thì phải có hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp;
Đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có hộ chiếu nước ngoài và giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch;
Đối với cá nhân nước ngoài thì phải có hộ chiếu nước ngoài và cam kết bằng văn bản về việc không thuộc diện được quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao.
Giấy tờ chứng minh điều kiện được sở hữu nhà ở quy định như sau:
Đối với tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn quốc tịch Việt Nam thì phải có giấy tờ chứng minh nhà ở được tạo lập hợp pháp thông qua các hình thức quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật Nhà ở;
Đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có hộ chiếu còn giá trị và được phép nhập cảnh vào Việt Nam, đang cư trú tại Việt Nam tại thời điểm ký kết giao dịch về nhà ở và thuộc diện được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
Đối với cá nhân nước ngoài thì phải có hộ chiếu còn giá trị và được phép nhập cảnh vào Việt Nam, đang cư trú tại Việt Nam tại thời điểm ký kết giao dịch về nhà ở, có giấy tờ chứng minh nhà ở được tạo lập hợp pháp thông qua các hình thức quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật Nhà ở.
Dự thảo Nghị định quy định, tổ chức, cá nhân nước ngoài không được sở hữu nhà ở trong các dự án thuộc khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh sau đây:
Khu vực trọng yếu cần bảo đảm quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh;
Các xã biên giới, giáp biên giới, khu vực hải đảo;
Khu vực có các doanh trại, lực lượng vũ trang;
Khu vực có trụ sở, nhà làm việc của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan Đảng từ cấp tỉnh trở lên;
Các khu vực khác theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm xác định cụ thể các khu vực cần bảo đảm an ninh quốc phòng và có thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để chỉ đạo Sở Xây dựng công bố danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn nằm trong khu vực mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Số dân được xác định tương đương một phường không phân biệt cấp loại đơn vị hành chính làm cơ sở để xác định số lượng nhà ở riêng lẻ mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép sở hữu theo quy định tại Điều 19 của Luật Nhà ở là 10.000 dân.
Số lượng nhà ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu xác định như sau:
Đối với nhà ở là căn hộ chung cư thì trong một tòa nhà chung cư (kể cả nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp), tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 30% tổng số căn hộ có mục đích để ở của tòa nhà đó. Trường hợp tòa nhà chung cư có nhiều đơn nguyên hoặc nhiều khối nhà cùng chung khối đế thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 30% tổng số căn hộ có mục đích để ở của mỗi đơn nguyên, mỗi khối nhà.
Đối với nhà ở riêng lẻ (bao gồm nhà ở liền kề, nhà ở độc lập, nhà biệt thự) thì trên một khu vực có số dân quy định nêu trên mà chỉ có 01 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu số lượng nhà ở không quá 10% tổng số nhà ở riêng lẻ của dự án và tối đa không vượt quá 250 căn nhà.
Trường hợp khu vực có từ 02 dự án trở lên thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 10% tổng số nhà ở riêng lẻ tại mỗi dự án và tổng số nhà ở riêng lẻ mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tại tất cả các dự án không vượt quá 250 căn nhà; trường hợp trên một khu vực có số dân quy định nêu trên có nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài đã sở hữu đủ số lượng nhà ở riêng lẻ theo quy định thì tổ chức, cá nhân nước ngoài không được mua và sở hữu thêm nhà riêng lẻ tại các dự án khác của khu vực này.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Minh Hiển