Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Nội vụ cho biết, thời gian qua, địa giới đơn vị hành chính các cấp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có sự thay đổi, biến động do nhu cầu thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính các cấp nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa và bảo đảm phù hợp với các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo đó, sau khi cấp có thẩm quyền quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính các cấp thì cần thiết phải tiến hành công tác lập (gồm lập mới, chỉnh lý, bổ sung) hồ sơ địa giới đơn vị hành chính các cấp cho phù hợp.
Bên cạnh đó, quá trình phát triển kinh tế - xã hội, vận động của địa chất tự nhiên, lũ lụt,... dẫn đến đường địa giới giữa các đơn vị hành chính có sự thay đổi, biến dạng.
Vấn đề phát sinh trong thực tiễn nêu trên dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý hành chính lãnh thổ của chính quyền địa phương các cấp, xảy ra tình trạng đất đai thuộc về đơn vị hành chính này nhưng người dân sinh sống và canh tác trên phần đất đó lại thuộc địa giới của đơn vị hành chính khác,... cần thiết phải tiến hành xác định lại.
Để giải quyết vấn đề này, chính quyền địa phương các cấp đã cùng phối hợp, giải quyết, thống nhất đường địa giới hành chính chung. Căn cứ vào kết quả xác định địa giới đơn vị hành chính các cấp, để phục vụ cho công tác quản lý địa bàn lãnh thổ theo phạm vi ranh giới của đơn vị hành chính thì UBND cấp tỉnh phải tiến hành lập hồ sơ địa giới đơn vị hành chính các cấp của các đơn vị hành chính liên quan.
Nghị định số 119/CP ngày 16/09/1994 của Chính phủ quy định về việc quản lý, sử dụng hồ sơ địa giới, bản đồ địa giới và mốc địa giới hành chính các cấp ban hành được gần 30 năm, trong khi các quy định kỹ thuật và căn cứ pháp lý liên quan đến hồ sơ địa giới đơn vị hành chính có một số thay đổi, cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Từ những lý do nêu trên, cần thiết ban hành Thông tư quy định lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính các cấp.
Theo dự thảo, hồ sơ địa giới đơn vị hành chính các cấp được lập mới hoặc chỉnh lý, bổ sung khi thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính các cấp hoặc theo quyết định của cấp có thẩm quyền về xác định địa giới đơn vị hành chính các cấp.
Nội dung lập hồ sơ địa giới đơn vị hành chính các cấp:
Xác định địa giới đơn vị hành chính ở thực địa
Căn cứ văn bản của cấp có thẩm quyền về thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính các cấp hoặc xác định địa giới đơn vị hành chính các cấp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:
Tổ chức họp triển khai xác định đường địa giới hành chính ở thực địa tại đoạn/tuyến có thay đổi hoặc được xác định địa giới đơn vị hành chính các cấp.
Tiến hành xác định đường địa giới hành chính ở thực địa, xác định vị trí cắm mốc địa giới đơn vị hành chính (nếu có) và các điểm đặc trưng trên đường địa giới đơn vị hành chính, ghi dấu các vị trí cắm mốc địa giới đơn vị hành chính.
Tổ chức cắm mốc địa giới hành chính, đo tọa độ, độ cao, lập sơ đồ vị trí mốc địa giới đơn vị hành chính. Lập bản đồ địa giới đơn vị hành chính gốc thực địa và ký xác nhận pháp lý theo quy định.
Lập hồ sơ địa giới đơn vị hành chính các cấp
Căn cứ bản đồ địa giới đơn vị hành chính gốc thực địa (đã được ký xác nhận pháp lý), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiến hành hoàn thiện hồ sơ địa giới đơn vị hành chính các cấp theo quy định kỹ thuật về xác định đường địa giới hành chính, cắm mốc địa giới và lập hồ sơ địa giới hành chính các cấp tại Thông tư số 48/2014/TT-BTNMT ngày 22 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Kiểm tra, nghiệm thu và giao nộp sản phẩm
Sau khi hồ sơ địa giới đơn vị hành chính các cấp đã được hoàn thiện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, nghiệm thu kỹ thuật theo quy định kỹ thuật về xác định đường địa giới hành chính, cắm mốc địa giới và lập hồ sơ địa giới hành chính các cấp tại Thông tư số 48/2014/TT-BTNMT ngày 22 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra, nghiệm thu kỹ thuật theo quy định; có văn bản về kết quả kiểm tra, nghiệm thu kỹ thuật gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để hoàn thiện và gửi về Bộ Nội vụ để theo dõi.
Căn cứ kết quả kiểm tra, nghiệm thu kỹ thuật của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ địa giới đơn vị hành chính các cấp của địa phương; nhân bản số lượng và tổ chức ký xác nhận pháp lý theo quy định.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Minh Hiển