Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 857/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 về việc ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Dự thảo Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu gồm: Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu; Ưu đãi trong đấu thầu; Chi phí trong lựa chọn nhà thầu; Kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu; Xây dựng giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu; Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu; Lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; Mua sắm tập trung; Mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế; Hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn; Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về đấu thầu; Xử lý tình huống trong đấu thầu; Thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu; xử lý vi phạm trong đấu thầu; Cơ sở dữ liệu về nhà thầu, hợp đồng, chất lượng hàng hóa, uy tín của nhà thầu; Quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu và các biện pháp thi hành Luật Đấu thầu.
Dự thảo Nghị định bổ sung các quy định mới so với Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/06/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu như sau:
Quy định về đối tượng bảo đảm cạnh tranh, nhà thầu tham dự gói thầu xây lắp, mua sắm hàng hóa, phi tư vấn, tư vấn, gói thầu chìa khóa trao tay phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các bên liên quan.
Quy định bảo đảm cạnh tranh đối với nhà thầu phụ, nhà thầu phụ đặc biệt.
Quy định về thời điểm xác định tỷ lệ cổ phần, vốn góp giữa các bên.
Quy định về công thức tính tỷ lệ sở hữu vốn của tổ chức, cá nhân khác trong liên danh.
Cụ thể, dự thảo nêu rõ, nhà thầu tham dự thầu gói thầu xây lắp, mua sắm hàng hóa, phi tư vấn phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các bên sau đây: Nhà thầu tư vấn lập, thẩm tra, thẩm định thiết kế, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, thiết kế kỹ thuật tổng thể (thiết kế FEED), nhà thầu tư vấn quản lý dự án, nhà thầu tư vấn giám sát, tư vấn kiểm định, tư vấn quản lý hợp đồng, nhà thầu tư vấn lập, thẩm định nhiệm vụ khảo sát, thiết kế cho gói thầu xây lắp, mua sắm hàng hóa, phi tư vấn đó; Chủ đầu tư, bên mời thầu.
Nhà thầu tham dự thầu gói thầu tư vấn phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các bên sau đây: Nhà thầu tư vấn quản lý dự án, tư vấn quản lý hợp đồng; Nhà thầu tư vấn lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu; tư vấn đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự thầu; tư vấn thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu cho gói thầu tư vấn đó; tư vấn khác tham gia trực tiếp trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu cho gói thầu tư vấn đó…
Theo dự thảo, chi phí lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển được tính bằng 0,1% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 2 triệu đồng và tối đa là 30 triệu đồng.
Chi phí thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển được tính bằng 0,06% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 2 triệu đồng và tối đa là 30 triệu đồng.
Chi phí lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được tính bằng 0,2% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 2 triệu đồng và tối đa là 50 triệu đồng.
Chi phí thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu kể cả trường hợp không lựa chọn được nhà thầu được tính bằng 0,1% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 2 triệu đồng và tối đa là 50 triệu đồng.
Chi phí cho Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị của nhà thầu về kết quả lựa chọn nhà thầu là 0,03% giá dự thầu của nhà thầu có kiến nghị nhưng tối thiểu là 1 triệu đồng và tối đa là 50 triệu đồng.
Đối với đấu thầu quốc tế, căn cứ vào quy mô, tính chất của gói thầu, chủ đầu tư quyết định mức giá nhà thầu phải nộp tiền mua bản điện tử hồ sơ mời thầu khi nộp hồ sơ dự thầu.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Khánh Linh