Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Công an cho biết, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường có nội dung giao Bộ Công an tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, tổ chức kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường… đối với dự án đầu tư thuộc bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối với các dự án, cơ sở thuộc lĩnh vực bí mật nhà nước về an ninh. Đồng thời, căn cứ khoản 2 Điều 24 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư để thực hiện "Biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình" trong công tác bảo vệ môi trường trong Công an nhân dân.
Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, đã có một số thay đổi, điều chỉnh mang tính cải cách lớn: tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế - xã hội, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào 01 giấy phép môi trường; đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án; cụ thể hóa các quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu; chế định về thẩm quyền quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất... Theo đó, các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong Công an nhân dân trước đây không còn phù hợp với những quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Vì vậy, để các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong Công an nhân dân phù hợp với quy định pháp luật hiện hành; phù hợp với tổ chức bộ máy và đặc thù ngành Công an và là cơ sở để Công an các đơn vị, địa phương quán triệt, thực hiện, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường thì việc ban hành Thông tư quy định công tác bảo vệ môi trường trong Công an nhân dân là cần thiết.
Do đó, dự thảo Thông tư được xây dựng gồm 05 chương, 61 điều, trong đó:
- Chương I: Quy định chung, gồm 04 điều (từ Điều 1 đến Điều 4).
- Chương II: Hoạt động bảo vệ môi trường trong Công an nhân dân, gồm 41 điều (từ Điều 5 đến Điều 45).
- Chương III: Nguồn lực cho hoạt động bảo vệ môi trường trong Công an nhân dân gồm 04 điều (từ Điều 46 đến Điều 49).
- Chương IV: Trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương trong công tác bảo vệ môi trường, gồm 11 điều (từ Điều 50 đến Điều 59).
- Chương V: Tổ chức thực hiện, gồm 02 điều (từ Điều 60 đến Điều 61).
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Hoa Hoa